Năm tuyến đường “đẻ trứng vàng”
Hiện VEC đang làm chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 550km. Trong đó, 3 tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và Thành phố HCM - Long Thành - Dầu Giây. Dự kiến, năm 2018, VEC tiếp tục đưa cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi vào khai thác và cao tốc Bến Lức - Long Thành vận hành vào năm 2019. Tổng mức đầu tư của 5 dự án lên tới 125.572 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 71.555 tỷ đồng (57%), số còn lại VEC tự huy động. Ít ai biết, thành quả đó khởi đầu chỉ từ số vốn ít ỏi 1.000 tỷ đồng khi thành lập VEC cách đây 11 năm (trong đó chỉ có 50 tỷ đồng tiền mặt, số còn lại được quy đổi từ quyền thu phí 2 trạm trong 10 năm).
Sau hơn 1 thập kỷ phát triển, tới nay những tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và khai thác đã phát huy hiệu quả to lớn; góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước và các địa phương có tuyến đường đi qua. Tới nay, các dự án này đã phục vụ khoảng 45 triệu lượt phương tiện. Trong đó, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phục vụ 23 triệu lượt xe, cao tốc Nội Bài - Lào Cai 7,5 triệu lượt xe, cao tốc Thành phố HCM - Long Thành - Dầu Giây 14,5 triệu lượt xe; giúp giảm chi phí cho vận tải cho xã hội từ 15-30% so với khi chưa có cao tốc.
Tuy vậy, tới nay VEC đang gặp phải một số khó khăn về vốn. Hiện dòng tiền tại dự án đường cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai thiếu hụt khoảng 22.050 tỷ đồng. Vì vậy, VEC đề xuất Chính phủ cho hòa chung dòng tiền của 5 dự án đơn vị làm chủ đầu tư. Với cách này, VEC tự cân đối được 20.360 tỷ đồng không cần hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Phần thiếu hụt còn lại (khoảng 1.690 tỷ đồng), VEC sẽ tự thu xếp.
Ðể cụ thể hóa phương án đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án tăng vốn điều lệ của VEC lên 32.998 tỷ đồng vào cuối năm 2015 và lên hơn 72 nghìn tỷ đồng vào năm 2019. Ðồng thời, chuyển mô hình hoạt động từ công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần (nhà nước nắm giữ trên 75% cổ phần). Sau một thời gian xem xét, phương án tăng vốn của VEC đã được chấp nhận.
Tiếp tục giảm gánh nặng ngân sách
Hiện tại, VEC đang được áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, do Thủ tướng ban hành từ năm 2007, như: Ðược vay lại vốn ODA của Chính phủ; vốn phát hành trái phiếu Chính phủ; được phát hành trái phiếu công trình trong nước và quốc tế, do Chính phủ bảo lãnh; vay vốn tín dụng; tự quyết định mức thu phí; được ngân sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng...
Tuy nhiên, do chính sách thay đổi, VEC gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư các dự án đường cao tốc tiếp theo. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục được thực hiện những chính sách đang thí điểm hiện nay, VEC đã kiến nghị nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào dự án sẽ được chuyển thành vốn điều lệ của công ty. Ngoài ra, các dự án do VEC làm chủ đầu tư thực hiện theo hình thức Xây dựng - Sở hữu - Vận hành khai thác (BOO), được vay vốn ngân hàng để giải phóng mặt bằng khi ngân sách chưa bố trí được vốn.
Cùng với đó, VEC cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành các định mức cho công tác khai thác, bảo trì, sửa chữa đường bộ cao tốc; đồng thời, có quy định về công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương có tuyến đường đi qua.
Ngày 30/12/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh có công văn đồng ý về chủ trương tăng vốn điều lệ của VEC đến năm 2019 là 72.602 tỷ đồng; giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính quyết định cụ thể việc điều chỉnh vốn điều lệ của VEC và hướng dẫn hạch toán theo quy định.