'Đại gia' vàng Phước Sơn bất ngờ thoát cửa phá sản

Mỏ vàng Đăk Sa của Cty vàng Phước Sơn đưa vào khai thác trở lại hồi tháng 8/2016. Ảnh CTV.
Mỏ vàng Đăk Sa của Cty vàng Phước Sơn đưa vào khai thác trở lại hồi tháng 8/2016. Ảnh CTV.
TPO - Với việc áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh đối với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, phía các chủ nợ đã đồng ý không để 'đại gia' vàng này phá sản và phía Phước Sơn cũng sẽ xây dựng 'kế hoạch trả nợ chi tiết'.

Ngày 8/11, Hội nghị chủ nợ của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn do Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam triệu tập đã được tổ chức tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Tại Hội nghị, đại diện công ty vàng Phước Sơn đã trình bày, báo cáo và giải đáp, phản hồi các ý kiến của chủ nợ về phương án, giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh trên cơ sở hiện trạng thực tế của cơ sở hạ tầng mỏ, các công trình phụ trợ, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, tiềm năng tài nguyên khoáng sản, nhân lực, tài chính, quản trị doanh nghiệp,…

Công ty Phước Sơn đã đề xuất giải pháp huy động vốn để tiếp tục sản xuất, phương án và lộ trình trả nợ các nhà thầu, nhà cung cấp, nợ ngân hàng và các tổ chức khác; đồng thời thể hiện cam kết và quyết tâm khôi phục lại hoạt động của Công ty trong thời gian sớm nhất và mong muốn nhận được sự đồng thuận và hợp tác của các chủ nợ.

Sáng 9/11, trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Như Lê - Trưởng phòng Phát triển Quan hệ, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn cho hay, tại hội nghị, các chủ nợ đã thống nhất thông qua Nghị quyết “Áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh đối với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn”.

“Trên cơ sở thông cảm và đồng hành cùng Công ty trong thời gian khó khăn vừa qua cũng như xem xét một cách thấu đáo, toàn diện những lợi ích chung từ việc đã và sẽ tiếp tục hợp tác cùng Công ty, các chủ nợ đã thống nhất thông qua Nghị quyết “Áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh đối với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn”. Trên cơ sở Nghị quyết đã được thông qua, Công ty sẽ xây dựng “Phương án phục hồi sản xuất kinh doanh và kế hoạch trả nợ chi tiết” để thông qua tại Hội nghị chủ nợ tiếp theo”, phía công ty Phước Sơn cho biết.

Trước đó, do quá khó khăn trong quá trình hoạt động, dẫn đến việc bị thua lỗ, mất vốn, từ tháng 7/2014 các cơ sở sản xuất của Công ty (Mỏ và Nhà máy) đã phải tạm ngừng hoạt động, dẫn đến gần 1.000 lao động bị mất việc làm, tồn đọng nợ lớn, trong đó có nợ thuế, nợ các nhà thầu và nhà cung cấp.

Sau đó, Công ty bắt đầu thực hiện tái cơ cấu toàn diện với sự tham gia của nhà đầu tư mới từng bước phục hồi hoạt động sản xuất. Ngày 19/7/2016, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 5337/QĐ-CT cho phép Công ty được nộp dần số nợ thuế trong vòng 11 tháng với sự bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng.

Đến tháng 7/2017, Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tồn đọng hơn 351 tỷ đồng cho Ngân sách. Các thành viên mới của Công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng vào hoạt động phục hồi sản xuất. Kết quả, từ giữa tháng 8/2016, Công ty đã chính thức đưa mỏ vàng Đăk Sa vào khai thác trở lại; đồng thời, cũng bảo dưỡng để sẵn sàng đưa Nhà máy chế biến vàng Phước Sơn vào vận hành sản xuất.

Đối với các khoản nợ khác, trong đó có nợ của các nhà cung cấp, Công ty thương lượng với từng chủ nợ về kế hoạch trả nợ phù hợp với điều kiện tài chính và tình hình phục hồi hoạt động sản xuất thực tế của Công ty. Tuy nhiên ngày 24/3/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ra Quyết định số 01/2017/QĐ-MTTPS về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty liên quan đến khoản nợ khoảng 19 tỷ đồng của Công ty CP Tư vấn và kỹ thuật Abel Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.