Ông Nguyễn Văn Công (60 tuổi) chia sẻ, làng Phúc Am có nghề mây tre đan gia truyền. Cách đây gần 30 năm, nghề làm vàng mã bắt đầu xuất hiện ở làng. Đến nay gần như cả làng làm nghề này.
Mô hình ngựa, voi cỡ đại cao trên 2m đang trong thời gian hoàn thiện.
Một kho chứa vàng mã lớn.
Ông Dũng, người làm công trong kho này, cho biết: "Người ta nói, trần sao âm vậy nên ở đây không thiếu thứ gì. Từ biệt thự, xe hơi đến du thuyền hạng sang, chân dài, người giúp việc.... Muốn hàng đẹp người mua phải đặt hàng ít nhất 1 tuần".
Mỗi căn nhà lầu đều có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Gia chủ muốn đốt cho ai, ghi tên tuổi người đã khuất vào tờ giấy này.
Theo nam công nhân này, bên cạnh các mặt hàng như tiền, vàng, ngựa..., xe tay ga, ô tô, biệt thự chiếm phần lớn thị trường. Kiểu dáng, màu sắc, kích thước của các mặt hàng ngày càng phong phú, được thợ cải tiến sao cho giống đồ thật nhất có thể.
Những đứa trẻ từ 6 tuổi trở lên đã có thể kiếm tiền từ công việc làm vàng mã.
Những hình nộm, mô hình vàng mã được làm chủ yếu từ nan vầu, nứa...
Ông Phi - một chủ cơ sở sản xuất vàng mã, chia sẻ, mỗi gia đình trong làng sẽ chuyên sản xuất một mặt hàng. Gia đình ông chuyên làm các đồ lễ cho việc hầu đồng, thờ tứ phủ.
Theo lời ông Phi, từ xưa việc đốt vàng mã thể hiện sự gắn kết giữa thế giới người sống và thế giới người âm, họ gửi cho tổ tiên tiền vàng để tiêu pha, đi lại với ý nghĩa tâm linh. Bởi vậy, dân làng làm nghề quanh năm không hết việc. Những dịp như Rằm tháng 7, Tết hoặc những tháng đầu năm phải làm suốt ngày đêm mới đủ cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, các chùa cấm đốt vàng mã nên sức mua vào dịp tháng 7 giảm hơn.
Cơ sở ông Phi chủ yếu bán buôn, ít khi có khách mua lẻ. Vàng mã cỡ lớn phần lớn được chuyển đi các tỉnh, phục vụ các đền, phủ, miếu.
Tiểu thương nhỏ lẻ từ Hà Đông (Hà Nội) cũng tìm về đây nhập hàng.
Biệt thự "hạng sang" được chở về bằng xe đạp.
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cho biết: “Giáo hội đã có công văn đề nghị cấm đốt vàng mã tại các chùa chiền nhưng việc cấm đốt vàng mã muốn triệt để phải bắt đầu từ việc cấm sản xuất, kinh doanh vàng mã.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2014, sản xuất, kinh doanh vàng mã không thuộc diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Pháp luật hiện hành vẫn công nhận vàng mã là một mặt hàng được phép kinh doanh và vẫn nằm trong danh mục đóng thuế. Vì vậy việc này chủ yếu vẫn là giáo dục ý thức người dân”.