Dải Gaza: Vô vọng đào tìm 7.000 người dưới đống đổ nát

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mỗi buổi sáng, Yasser Abu Shamala, 51 tuổi, đến nơi từng là ngôi nhà của gia đình ông ở Khan Younis, phía nam Dải Gaza. Ông bắt đầu đào bới đống đổ nát bằng tay không, nâng những mảnh bê tông lên để cố gắng tìm kiếm các thành viên trong gia đình mình bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Dải Gaza: Vô vọng đào tìm 7.000 người dưới đống đổ nát ảnh 1
Tìm kiếm, cứu hộ sau khi trại tị nạn Maghazi ở trung tâm Gaza bị không kích ngày 25/12. Ảnh: Anadolu

Ngôi nhà của gia đình Shamala bị lực lượng Israel ném bom ngày 26/10, giết chết cha mẹ, anh em và anh em họ của ông. Cuộc tấn công đã khiến 22 người thiệt mạng và nhiều người khác bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Các thành viên gia đình của ông Shamala nằm trong số hơn 7.000 người được báo cáo mất tích ở Gaza, trong đó có 4.900 trẻ em và phụ nữ. Theo giới chức Hamas ở Gaza, những người mất tích được cho là đang bị mắc kẹt dưới các tòa nhà bị đánh bom.

Bất chấp nhiều nỗ lực thất bại, Shamala không chịu bỏ cuộc và thề tiếp tục tìm kiếm người thân của mình, tìm thấy thi thể của họ dưới đống đổ nát của ngôi nhà. Ông hy vọng có thể chôn cất họ trong một nghĩa trang theo đúng nghi lễ Hồi giáo.

Israel đã thả hàng nghìn quả bom xuống Gaza kể từ ngày 7/10, ngày chiến tranh bắt đầu với các cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel. Cuộc chiến này được cho là một trong những cuộc chiến tàn khốc và gây tử vong nhiều nhất trong thời gian gần đây - đã giết chết gần 21.000 người ở Gaza và 1.139 người ở Israel, làm bị thương gần 55.000 người Palestine và ít nhất 8.730 người ở Israel, đồng thời phá hủy hoặc làm hư hại ít nhất 60% diện tích của khu dân cư của Gaza.

Khi chiến tranh tiếp diễn, việc tìm kiếm, giải cứu những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ngày càng trở nên khó khăn.

IDF lên tiếng vụ không kích trại tị nạn

Ngày 28/12, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thừa nhận sự tồn tại của “tổn hại ngoài ý muốn” đối với dân thường do các cuộc không kích của họ ở trung tâm Gaza ngày 24/12. Các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu trong trại tị nạn Al-Maghazi. Theo cơ quan y tế do Hamas kiểm soát, khoảng 70 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công này.

Trong một tuyên bố gửi tới CNN, IDF khẳng định, “các hoạt động ở Dải Gaza chống lại các mục tiêu khủng bố của Hamas; các máy bay chiến đấu của Không quân Israel đã tấn công hai mục tiêu liền kề với các hoạt động của Hamas vào ngày 24/12/2023. “Trước khi các cuộc tấn công được thực hiện, IDF đã thực hiện các bước nhằm giảm thiểu thiệt hại cho dân thường không liên quan trong khu vực. Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy rằng các tòa nhà khác nằm gần các mục tiêu cũng bị tấn công trong các cuộc không kích, điều này có thể gây ra tổn hại ngoài ý muốn cho những thường dân không liên quan”.

Công cụ thô sơ

Lực lượng phòng vệ dân sự Gaza được giao nhiệm vụ giải cứu người dân mỗi khi bom rơi xuống, nhưng khả năng triển khai cứu hộ bị hạn chế do thiếu thiết bị hiện đại.

Đại úy Raed Saqr từ Sở Cứu hỏa và Cứu hộ ở Gaza cho biết: “Thiết bị chúng tôi sử dụng rất lỗi thời và Lực lượng phòng vệ dân sự đã không nhận được bất kỳ thiết bị mới nào kể từ năm 2006. Lực lượng phòng vệ dân sự đang làm việc với thiết bị tối thiểu”. Saqr cho Al Jazeera xem các công cụ mà nhóm của ông sử dụng cho nhiệm vụ giải cứu. Chúng bao gồm một cái xẻng để xúc các mảnh vụn, một chiếc búa tạ để đập vỡ các mảnh bê tông, một máy cắt thủ công để cắt các thanh kim loại và xà beng để tiếp cận những nơi chật hẹp mà tay không thể với tới. Ông nói: “Chúng là những công cụ đơn giản có thể tìm thấy ở bất cứ đâu hoặc tại bất kỳ cửa hàng thủ công nào”.

Theo Đại úy Anes Wafi, người đứng đầu đơn vị cứu hỏa và cứu hộ ở thành phố Khan Yonis của Dải Gaza, Lực lượng phòng vệ dân sự Gaza có số lượng máy móc hạn chế nhưng không thể sử dụng do thiếu nhiên liệu. “Nếu có nhiên liệu, chúng tôi sẽ dùng máy nghiền bê tông và đĩa cắt. Chúng tôi sẽ làm việc hiệu quả hơn. Hiện tại chúng đã hoàn toàn ngừng hoạt động vì cuộc khủng hoảng nhiên liệu”, Wafi nói.

Wafi nói thêm rằng không có viện trợ nào được cung cấp cho Lực lượng phòng vệ dân sự Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập mặc dù cơ quan này cần máy móc đặc biệt và cần cẩu hạng nặng để phá dỡ các tòa nhà, bê tông và loại bỏ các mảnh vụn. “Chúng tôi không có bất kỳ khả năng nào. Chúng tôi cần máy kéo, máy gắp và cần cẩu khổng lồ để nâng đống đổ nát của các tòa nhà”, ông nói.

Tháng 12, văn phòng truyền thông của Gaza tuyên bố, 80% phương tiện và thiết bị cứu hộ đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Israel vào dải đất này.

Đội cứu hộ bị nhắm mục tiêu

Các cuộc tấn công của Israel vào Gaza tiếp diễn trong gần ba tháng với bom thả gần như mỗi ngày, khiến các đội cứu hộ gặp khó khăn trong việc tiếp cận hàng nghìn người vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát, đặc biệt nếu những khu vực đó đã được lực lượng Israel sơ tán và phong tỏa.

Ông Wafi nói: “Đôi khi các đội của chúng tôi bị nhắm mục tiêu khi họ đang tìm kiếm người dưới đống đổ nát, hoặc đôi khi họ (lực lượng Israel) sẽ bắn tên lửa cảnh báo để buộc chúng tôi phải sơ tán khỏi khu vực”. “Các đội của chúng tôi đã trở thành mục tiêu khi có mặt ở thành phố Gaza và Rafah. Xe cứu thương của chúng tôi bị hư hỏng vì một cuộc tấn công tên lửa gần đó. Chúng tôi có thể trở thành mục tiêu trong bất kỳ nhiệm vụ giải cứu nào”.

Wafi cho biết đôi khi đội phải đưa ra quyết định khó khăn là để ai đó bị mắc kẹt dưới đống đổ nát nếu họ xác định nhiệm vụ giải cứu không thể tiếp tục nếu không có thiết bị, máy móc phù hợp. “Chúng tôi phải để họ ở đó vì sẽ mất khoảng 10 giờ làm việc và chúng tôi sẽ chuyển đến một nơi khác gần đây là mục tiêu và cần ít thời gian hơn để đào bới đống đổ nát”.

Các cuộc oanh tạc của Israel đã san bằng toàn bộ khu dân cư ở Gaza từ bắc tới nam. Một số quan chức quốc tế gọi sự tàn phá là “thảm khốc, tận thế” hơn những gì mà các thành phố của Đức phải trải qua trong Thế chiến thứ hai, trong khi những người khác nói rằng Gaza đang “nhanh chóng trở thành nơi không thể sinh sống được”.

Theo dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và chính quyền Palestine, tính đến ngày 24/12, các cuộc tấn công của Israel đã dẫn đến việc hơn một nửa số nhà ở Gaza - 313.000 đơn vị dân cư - bị phá hủy hoặc hư hại, 352 cơ sở giáo dục bị hư hại, 26 trong số 35 bệnh viện không hoạt động, 102 xe cứu thương bị hư hại, 203 cơ sở thờ tự bị hư hại. Với gần hai triệu người - khoảng 85% dân số - phải di dời trong khu vực nhỏ bé, một số người Palestine đã chọn cách ở trong những ngôi nhà bị phá hủy của họ thay vì trở thành người vô gia cư.

Xung đột Israel-Hamas chưa thể kết thúc ngay nhưng các chuyên gia lo ngại rằng có thể phải mất nhiều năm để dọn sạch đống đổ nát và tìm thấy những người bị mắc kẹt bên dưới. Nhóm Cố vấn Mìn (Mines Advisory Group), có nhiệm vụ rà phá bom mìn ở các khu vực xung đột, cho biết bom đạn chưa nổ ở Dải Gaza sẽ khiến việc dọn sạch các mảnh vỡ trở nên đặc biệt khó khăn và đòi hỏi những nỗ lực chưa từng có.

MỚI - NÓNG