CNN hợp tác với công ty AI Synthetaic của Mỹ, sử dụng kỹ thuật Phân loại hình ảnh tự động nhanh (RAIC) để phát hiện các miệng hố, đám khói và tòa nhà bị hư hại trong hình ảnh vệ tinh. Hình ảnh vệ tinh từ những ngày đầu của cuộc chiến cho thấy hơn 500 hố va chạm có đường kính trên 12 mét, phù hợp với những hố còn lại do những quả bom nặng 2.000 pound để lại. Những quả bom này nặng gấp 4 lần những quả bom lớn nhất mà Mỹ thả xuống thành trì của IS ở Mosul, Iraq, trong cuộc chiến chống lại lực lượng cực đoan ở đó.
Theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng rộng rãi các loại đạn dược hạng nặng như bom tấn đã khiến số người chết tăng vọt. Dân số Gaza tập trung đông đúc hơn nhiều so với hầu hết mọi nơi khác trên Trái đất, vì vậy việc sử dụng những loại vũ khí hạng nặng như vậy có tác động ghê gớm. John Chappell, chuyên gia vận động và pháp lý tại CIVIC (một tổ chức Mỹ tập trung vào việc giảm thiểu thiệt hại dân sự trong xung đột), nói: “Việc sử dụng những quả bom 2.000 pound ở một khu vực đông dân cư như Gaza có nghĩa là sẽ phải mất hàng thập kỷ để cộng đồng phục hồi”.
Một người đàn ông ngồi trên đống đổ nát khi người Palestine tìm kiếm và cứu hộ tại trại tị nạn Jabalya ở thành phố Gaza, ngày 1/11 Ảnh: Anadolu |
Israel đã phải chịu áp lực quốc tế về quy mô tàn phá ở Gaza, thậm chí Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Israel đã “ném bom bừa bãi”. Các quan chức Israel lập luận rằng vũ khí hạng nặng của họ là cần thiết để loại bỏ Hamas. Họ cũng cho rằng Israel đang làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu thương vong cho dân thường. “Để đối phó với các cuộc tấn công dã man của Hamas, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang hoạt động để triệt tiêu các khả năng hành chính và quân sự của Hamas. Trái ngược hoàn toàn với các cuộc tấn công có chủ ý của Hamas nhằm vào đàn ông, phụ nữ và trẻ em Israel, IDF tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khả thi để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường”, IDF tuyên bố.
Hamas dựa vào mạng lưới đường hầm rộng lớn được cho là chạy khắp Dải Gaza. Những người ủng hộ chiến dịch của Israel ở Gaza cho rằng các loại đạn dược hạng nặng đóng vai trò phá hầm ngầm, giúp phá hủy cơ sở hạ tầng dưới lòng đất của Hamas. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, quân đội phương Tây ít sử dụng bom tấn vì tác động tiềm tàng của chúng đối với các khu vực đông dân cư như Gaza. Luật nhân đạo quốc tế nghiêm cấm ném bom bừa bãi.
“Chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Việt Nam”
Ông Marc Garlasco, cựu nhà phân tích tình báo quốc phòng Mỹ và cựu điều tra viên tội phạm chiến tranh của Liên Hợp Quốc, cho biết mật độ ném bom trong tháng đầu tiên của Israel ở Gaza “chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Việt Nam”. Ông Garlasco, hiện là cố vấn quân sự tại PAX, một tổ chức phi chính phủ Hà Lan ủng hộ hòa bình, đã xem xét tất cả các vụ việc được phân tích trong báo cáo của CNN. Ông nói: “Bạn phải quay lại Chiến tranh Việt Nam để so sánh. Ngay cả trong hai cuộc chiến ở Iraq, nó (bom tấn) cũng chưa bao giờ dày đặc đến thế”.
Israel có một kho vũ khí lớn gồm các loại bom lớn, được gọi là MK-84. Khi bộ dẫn đường GPS được gắn vào MK-84, loại bom này sẽ được gọi là GBU-31. Theo hai người biết về vấn đề này, Mỹ đã cung cấp cho Israel hơn 5.400 quả MK-84 kể từ ngày 7/10.
Các loại đạn dược hạng nặng, hầu hết do Mỹ sản xuất, có thể gây ra thương vong cao và có thể có bán kính phân mảnh gây chết người (khu vực dễ gây bị thương hoặc tử vong xung quanh mục tiêu) lên tới 365 mét, hoặc tương đương với diện tích 58 sân bóng đá.
Các chuyên gia về vũ khí và chiến tranh đổ lỗi cho việc sử dụng rộng rãi các loại vũ khí hạng nặng như bom tấn đã khiến số người chết tăng vọt. Theo chính quyền ở Dải Gaza do Hamas kiểm soát, khoảng 20.000 người đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10. Theo những số liệu đó, hầu hết người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.
Theo bà Annie Shiel, giám đốc vận động của CIVIC, những phát hiện của CNN và Synthetaic “tiết lộ và nhấn mạnh cường độ tuyệt đối của các cuộc bắn phá trong một khoảng thời gian rất ngắn”. Trong hơn hai tháng, Israel đã tiến hành một cuộc chiến cường độ cao ở Gaza, kết hợp các cuộc oanh tạc dữ dội từ trên không với các loạt đạn pháo không ngừng nghỉ, cũng như một cuộc tấn công trên bộ bắt đầu ngày 27/10.
Ông Larry Lewis, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) và là cựu cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về tổn hại dân sự, cho biết: “Trong hai tháng, chúng tôi đã chứng kiến mức độ các cuộc tấn công ở khu vực nhỏ bé này ở Gaza tương đương với những gì chúng tôi đã thấy ở Mosul và Raqqa cộng lại”. Ông Lewis đề cập đến các hoạt động của liên minh do Mỹ dẫn dắt chống lại hai thành trì của IS. Mỹ chỉ thả một quả bom 2.000 pound trong cuộc chiến chống IS - cuộc chiến gần đây nhất của phương Tây nhằm vào một nhóm chiến binh ở Trung Đông. Quả bom rơi xuống Raqqa ở Syria.
Tuần trước, các nguồn tin tình báo Mỹ nói với CNN rằng 40-45% trong số 29.000 quả bom thả xuống Gaza vào thời điểm đó được gọi là bom câm, loại đạn không dẫn đường có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn cho dân thường, đặc biệt là ở các vùng lãnh thổ đông dân cư như Gaza. Một số trong số này có thể là những quả bom tấn được phát hiện trong hình ảnh vệ tinh chụp các miệng hố (do bom nổ tạo ra).