Cụ thể, HĐXX nhận thấy trong quá trình thực hiện Đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Grab đã ứng dụng công nghệ kết nối phần mềm trong kinh doanh vận tải đem lại nhiều tiện lợi cho người dân, nhất là người dân sử dụng dịch vụ của Grab. Về chất lượng phục vụ, chất lượng phương tiện vận tải, giá cả minh bạch, kết nối nhanh chóng.
Từ các căn cứ trên, HĐXX cho rằng cần phải khuyến khích duy trì phát triển mô hình công nghệ kết nối phần mềm như Grab. Đây là xu thế tất yếu của thời đại.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng bên cạnh những mặt tích cực thì mô hình kinh doanh này vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế. Cụ thể, HĐXX chỉ ra như trong thời gian qua cơ quan chức năng không quản lý được hoạt động của Grab.
Từ hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở các nước trên thế giới, khi người dân có xe ô tô nhàn rỗi kết nối vận chuyển đi lại nhằm nhanh chóng, tiện lợi, giảm chi phí, giảm ách tắc giao thông, đem lại hiệu quả trong việc di chuyển. Nhưng khi Grab vào hoạt động tại thị trường Việt Nam thì phần lớn người tham gia Grab đều mua xe để hoạt động kinh doanh vận tải.
Trước thực trạng này, Bộ GTVT và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không kịp thời có những chính sách quản lý phù hợp với mô hình hoạt động như Grab. Những cơ quan này tập trung mô hình kinh tế chia sẻ, tiếp tục duy trì Đề án 24 dẫn đến sự ùn tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn.
Với mô hình hoạt động vận tải taxi như Grab thì trên thế giới chưa có quốc gia nào tách rời giữa dịch vụ công nghệ cao với hoạt động kinh doanh vận tải. Trong khi nội dung Đề án 24 của Bộ GTVT hiện nay tách rời giữa dịch vụ công nghệ cao với hoạt động kinh doanh vận tải. Vì vậy Bộ GTVT cần phải xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để có chính sách quản lý phù hợp.
Đặc biệt, HĐXX cho rằng, cần hạn chế số lượng xe ô tô đang hoạt động theo mô hình, dịch vụ mới này nhằm giảm lưu lượng xe, trách gây ùn tắc giao thông, nhất là ở các thành phố lớn như hiện nay.
Theo HĐXX, từ chính sách bất bình đẳng trong việc kinh doanh vận tải, Grab đã tăng giảm giá tùy tiện khiến các cơ quan chức năng không thể quản lý được. “Đã là kinh doanh thì phải đóng thuế, đóng đúng, đóng đủ theo ngành nghề kinh doanh”, HĐXX nhận định.
HĐXX cũng chỉ ra, theo số liệu của Tổng Cục thuế, chỉ tính riêng về kinh doanh trong năm 2014 và năm 2016, số thuế mà Vinasun nộp gấp 130 lần Grab.
Do đó, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền cần phải có biện pháp quản lý về chất lượng vận chuyển và thu thuế theo đúng quy định về doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Về trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động, HĐXX cho rằng, từ việc xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì quyền lợi của người lao động phải thực hiện đúng quy định.
HĐXX cũng dẫn chứng rằng từ việc Grab không thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động, mỗi năm quỹ bảo hiểm thất thu gần 2.800 tỷ đồng. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét trách nhiệm của Grab trong việc thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Qua vụ án này, HĐXX còn kiến nghị Nhà nước cần đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vận tải truyền thống gia nhập, áp dụng các mô hình dịch vụ công nghệ mới như Grab, nhằm tránh động quyền để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người lao động.
Ngày 28/12, TAND TPHCM tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỷ đồng. Không chấp nhận khoản tiền hơn 36 tỷ đồng mà Vinasun yêu cầu Grab bồi thường, Grab cho biết sẽ kháng cáo.