Bức tranh xã hội đầy bi kịch
Cho ý kiến về việc này, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, xây dựng chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em phải như xây một ngôi nhà an toàn bảo vệ trẻ. Do đó, cần phải bắt đầu từ việc xây dựng nền móng: đó chính là đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với trẻ và đặc biệt là nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác này.
Cần xây dựng 3 trụ cột cơ bản: đó là nhóm chính sách pháp luật về chăm sóc- giáo dục trẻ, về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, về chống xâm hại trẻ em.
Cuối cùng là mái nhà: đó là những quy định pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ, là yêu cầu bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: Ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
“Trong 3 yếu tố cơ bản này, tôi đặc biệt quan tâm đến xây dựng nền móng. Bởi khi nền móng ấy lung lay, thì nó sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với trẻ”, đại biểu Hiền cho hay.
“Dù không muốn so sánh khập khiễng, nhưng nếu liên tưởng về hình ảnh, giữa những dự án nghìn tỷ từ nguồn đầu tư công đang đắp chăn đắp chiếu và hình ảnh trẻ em với manh áo mỏng tang trong ngôi nhà xập xệ không đủ che mưa che nắng, có nguy cơ bị xâm hại, tôi thấy rất xót xa. Liệu rằng, khi ghép 2 hình ảnh ấy lại, thì đó có phải là một bức tranh xã hội đầy bi kịch hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa
4 vụ bạo hành trẻ gây chấn động dư luận
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), trong thời gian gần đây tình trạng bạo lực đối với trẻ em đã và đang gia tăng đến mức báo động, nhiều trường hợp do chính bố mẹ, người thân các em gây ra. Gia đình, đáng lẽ là mái nhà bình yên che chở cho tuổi thơ lại trở thành nơi bạo hành và tạo những ký ức hãi hùng cho trẻ. Đây không còn là chuyện của một gia đình mà là câu chuyện của toàn xã hội.
Đại biểu viện dẫn nhiều vụ việc gây chấn động dư luận, như vụ cháu bé ở Kiên Giang bị chính cha đẻ tra tấn dã man, không được đi học, không được ăn uống tử tế, dẫn đến ốm yếu, suy kiệt; vụ cháu bé ở Nghĩa Đô, Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế đánh đập đến gãy sương sườn, rạn sọ não; vụ bé trai 1 tuổi bị mẹ ruột bạo hành dã man rồi bỏ rơi tại bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).
Nghiêm trọng hơn nữa, vụ cháu bé ở Bình Phước thường xuyên bị nhân tình của mẹ chửi bới và đánh đập. Hậu quả là cháu bị tra tấn đến tím tái, hôn mê và tử vong. “Cái chết của cháu đã thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực đối với trẻ em. Đây là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội”, bà Hoa bày tỏ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo đại biểu, trước hết phải kể đến nhận thức của một số cá nhân trong cộng đồng. Quan niệm về giáo dục trẻ bằng đòn roi với lối suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, “con hư thì phải dạy” đã ăn sâu khiến một số người lớn coi chuyện đánh đập, đối xử hung bạo với con trẻ là bình thường. Đáng lo ngại, sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, lo sợ bị trả thù... khiến nhiều người xung quanh không dám can thiệp hoặc tố giác hành vi vi phạm này.
Ngoài hoàn thiện hành lang pháp lý, đại biểu đề nghị cần xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trẻ em để tạo sự răn đe. Người bạo hành trẻ dù là ruột thịt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Nhưng quan trọng hơn cả là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng.
“Để câu nói 'Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai' không còn chỉ là khẩu hiệu thì từng cá nhân và cả cộng đồng cần chung tay thay đổi nhận thức và hành động một cách mạnh mẽ, thực chất hơn”, đại biểu Hoa nhấn mạnh.