Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, giải pháp Bộ trưởng nêu ra về nợ công chưa rõ, điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công ra sao. Theo đại biểu, nguyên nhân phân bổ vốn, giải ngân chậm cho một số dự án trọng điểm, ví như metro Bến Thành, hay dự án nước thải TPHCM chậm, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao?
Về vấn đề kiểm soát thuế chưa chặt chẽ, theo Bộ trưởng, do thói quen dùng tiền mặt, người tiêu dùng chưa có thói quen dùng hóa đơn, đây là tình trạng phổ biến. Tuy nhiên, theo đại biểu Thủy, Bộ trưởng vẫn chưa nói rõ nguyên nhân vì sao. Bởi thực tế nếu lấy hóa đơn, người mua hàng phải trả thêm 10% thuế GTGT. Vậy Bộ trưởng có giải pháp khắc phục tình trạng trên như thế nào? Yêu cầu người mua hàng trả 10% thuế như vậy có hợp lý không?
Tại phiên tranh luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tỏ ra băn khoăn trước tình trạng nợ công. Dù đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên nợ công vẫn tăng cao, việc quản lý ODA hiện rất bất cập, nhiều năm vượt dự toán, tổng mức ODA ngoài tầm kiểm soát. Cũng theo ông Hàm, Uỷ ban Tài chính Ngân sách đã có hai văn bản đề nghị, nhưng chưa nhận được thông tin trả lời. Ông Hàm đặt câu hỏi, Bộ cần bao nhiêu thời gian để tổng hợp? Có giữ được trần nợ công không?
Cùng nêu tranh luận chất vấn, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên- Huế) phản ánh tình trạng thất thu thuế ở một số lĩnh vực, như bất động sản nhất là những khu đất vàng ở thành phố lớn, rồi kinh doanh trên mạng, google, hay Uber, Grap thất thu thế lớn. Thậm chí có những lĩnh vực không thu được thuế. Vậy Bộ trưởng có giải pháp nào tránh thất thu?
Đề cập đến hệ thống pháp luật kiểm soát nợ công, tại phiên tranh luận, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu ra hàng loạt những tồn tại hạn chế mà Chính phủ đã chỉ ra, như phân bổ vốn dự án dàn trải, kéo dài thời gian, ỷ lại ngân sách trung ương, năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, nhiều dự án vỡ tiến độ… Theo đại biểu Sinh, như vậy nguyên nhân không phải do thiếu hệ thống pháp luật, mà do việc thực hiện chính sách pháp luật không nghiêm.
Đáng lưu ý, đây không phải tình hình trước năm 2011, mà đánh giá tồn tại, hạn chế này là năm 2017 và vẫn “chưa có dấu hiệu dừng lại”. Theo đại biểu, nếu không có giải pháp, hậu quả sẽ vô cùng lớn, cần xác định rõ trách nhiệm để xử lý cho tốt.