Đại biểu quốc hội quan tâm những gì?

Người trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi, Cần Thơ khóc mếu, phải đổ dưa xuống kênh, cho trâu ăn... Ảnh nhỏ dưới: Dự kiến khu vực sân bay Long Thành trong tương lai. Ảnh: Trí Tín.
Người trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi, Cần Thơ khóc mếu, phải đổ dưa xuống kênh, cho trâu ăn... Ảnh nhỏ dưới: Dự kiến khu vực sân bay Long Thành trong tương lai. Ảnh: Trí Tín.
TP - Dự kiến ngày 20/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc. Phóng viên Tiền Phong ghi nhận ý kiến của bốn đại biểu Quốc hội về một số vấn đề quan trọng cần được quan tâm, mổ xẻ tại kỳ họp này. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo: Tôn trọng tuyệt đối ý kiến của nhân dân

Đại biểu quốc hội quan tâm những gì? ảnh 1

Tại kỳ họp này, Luật Trưng cầu ý dân lần đầu đưa ra Quốc hội (QH) thảo luận. Đây là một dự án luật quan trọng, là hình thức cơ bản nhất để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp. Trước hết, Luật Trưng cầu ý dân phải xác định việc gì được đưa ra trưng cầu ý dân. Ở các nước, những vấn đề đưa ra lấy ý kiến người dân là những vấn đề liên quan đến ý của nhà nước và ý của người dân. Lĩnh vực nào cần phải đưa ra trưng cầu, lĩnh vực nào nằm trong “vùng cấm” cũng là cái vướng nhất của Luật Trưng cầu ý dân, cần phải được làm rõ.

Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân của ta có quy định “hai lần quá bán”. Chẳng hạn, cả nước có 60 triệu cử tri, chỉ cần quá 30 triệu tham gia bỏ phiếu là được. Trong số hơn 30 triệu người đi bỏ phiếu cũng chỉ cần trên 15 triệu (quá bán) đồng ý. Như vậy, “hai lần quá bán” thực chất cũng chỉ có 25% tổng số cử tri cả nước. Khi tôi trao đổi với một Giáo sư, Viện sĩ của Nga, ông ấy khuyên nếu quy định “hai lần quá bán” thì kết quả đạt được rất hình thức, không đại diện cho tuyệt đại đa số cử tri và nhân dân cả nước. Ông ấy cũng cho rằng, thông thường những người ủng hộ thì đi bầu, còn người không đi bỏ phiếu thường không đồng tình. Đây cũng là vấn đề chúng ta phải cân nhắc.

Một vấn đề khác cũng đang có nhiều ý kiến là tính hiệu lực của trưng cầu ý dân thế nào? Việc công nhận kết quả ra sao? Có luồng ý kiến nói cứ theo đa số, nhưng ý kiến khác lại cho rằng, phải có cơ quan xem xét quyết định, ví dụ như QH chẳng hạn. Vậy giờ nên theo hướng nào? Theo tìm hiểu của tôi, ở Ukraina, Tổng thống nước này đã từng đề nghị QH cho trưng cầu ý dân 3 việc: Giảm tổng số ĐBQH từ 480 xuống 360, bỏ tất cả đặc quyền đặc lợi đối với nghị sĩ và Tổng thống có quyền giải tán Nghị viện nếu xét thấy cần thiết. Kết quả trưng cầu, đa số cử tri ủng hộ đề xuất của Tổng thống, nhưng khi đưa ra QH, họ lại không thông qua. Kết quả trưng cầu đó bằng không. Đây cũng là kinh nghiệm cho chúng ta, phải quy định rõ điều này.

Quan điểm của tôi, nên thực hiện theo tinh thần Hiến pháp, tôn trọng tuyệt đối ý kiến của nhân dân. Nếu đại đa số người dân đồng tình thì sẽ theo, nhưng phải có quy định là QH sẽ ra Nghị quyết công nhận kết quả đó, để người thuộc về thiểu số cũng phải tuân theo. Tuy nhiên luật không nên quy định “hai lần quá bán” mà phải là 2/3. Tức là cả số lượng người đi bỏ phiếu và kết quả cuối cùng đều phải đạt 2/3 trở lên. Điều đó sẽ thể hiện được ý kiến, nguyện vọng của đại đa số người dân.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm: Quốc hội phải bàn chuyện “được mùa, mất giá”

Đại biểu quốc hội quan tâm những gì? ảnh 2

Qua tiếp xúc cử tri ở các vùng nông thôn, tôi thấy vấn đề mọi người đang quan tâm hiện nay là những khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là chuyện “được mùa, mất giá”.

Thực tế, theo phản ánh của các cử tri, sản xuất nông nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào như cây trồng, con giống, xăng dầu, điện, cước vận tải… liên tục gia tăng, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra liên tục hạ giá. Điều này khiến sản xuất của người dân không có lãi, thậm chí có khi còn lỗ. Điều khiến các cử tri bức xúc là tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm, Chính phủ, QH cũng đã có nhiều quyết sách về tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng việc triển khai thực hiện chưa có hiệu quả rõ rệt.

Việc hỗ trợ, mua sản phẩm của các đoàn thể trong thời gian vừa qua như mua dưa hấu chỉ là giải pháp “nhân đạo”. Nhưng quy luật của thị trường thì không thể lúc nào cũng mãi “nhân đạo” như thế được. Điều quan trọng là chúng ta phải có giải pháp căn cơ, gốc rễ, có giải pháp từ  khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đảm bảo làm sao các sản phẩm sản xuất ra phải có chất lượng cao, được thị trường chấp thuận, chứ sản phẩm mà chất lượng kém thì làm sao thị trường chấp nhận được.

Do đó, theo tôi trong kỳ họp này, QH cần thảo luận, bàn sâu về những câu chuyện liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm. Chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc này. Đồng thời có giải pháp để bảo đảm việc sản xuất gắn với tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm; hạ giá thành đầu vào, đừng để câu chuyện “được mùa, mất giá” cứ mãi tái diễn, khiến cuộc sống của bà con nông dân lao đao.

TS Trần Du Lịch (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM): Đổi mới để nâng cao chất lượng bộ máy hành chính

Đại biểu quốc hội quan tâm những gì? ảnh 3

Điều tôi quan tâm tại kỳ họp này là QH bàn về Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bởi như tôi đã nhiều lần nói, chính sách kinh tế của chúng ta thời gian qua đã có nhiều đổi mới, nhất là sau khi chúng ta thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, về tổ chức bộ máy thì có nhiều quy định chưa đồng bộ, cần đổi mới. Ví như hiện nay chúng ta thấy việc quản lý quận Ba Đình (Hà Nội) cũng giống như huyện Mường Tè (Lai Châu) là không thể được. Cái này tôi đã nói rất nhiều lần trước đây rồi và vừa rồi Trung ương đã đưa vấn đề trên ra thảo luận.

Tôi cũng không rõ sau khi Trung ương cho ý kiến thì dự thảo đã được điều chỉnh như thế nào. Tuy nhiên, tôi khẳng định, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là rất quan trọng cần phải đổi mới, nếu không đổi mới thì không bao giờ chúng ta có thể nâng cao chất lượng của bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, nâng lương, giúp công chức sống được bằng lương và chống được tình trạng nhũng nhiễu.

ĐB Nguyễn Văn Rinh (đoàn Hải Dương): Vốn gì thì vốn vẫn phải làm chủ được

Đại biểu quốc hội quan tâm những gì? ảnh 4

Thời gian qua báo chí nói nhiều về dự án sân bay Long Thành, do vậy để QH quyết định có xây dựng sân bay Long Thành hay không, quyết như thế nào thì Chính phủ cần phải trình các nội dung ra QH. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có sân bay Long Thành để phục vụ cho phát triển đất nước là cần thiết.

Với một sân bay nói chung thì nó không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế mà còn phục vụ cả cho lĩnh vực quốc phòng an ninh. Với sân bay thì hai nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng là một. 

Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ GTVT cần phải làm rõ được mục đích, quy mô và tầm quan trọng của dự án sân bay Long Thành. Nếu chỉ nói chung chung về sân bay Long Thành, thì ngay cả xây dựng đường sắt trên cao, hay đường cao tốc cũng rất cần thiết. Thứ hai, về nguồn vốn đầu tư, dù là đi vay hay tự có, dù vốn gì đi nữa anh vẫn phải làm chủ được, đồng thời phải phân kỳ đầu tư cho rõ ràng, hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.