Đại biểu Quốc hội phải làm gương về ứng xử

Đại biểu Quốc hội phải làm gương về ứng xử
TP - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trao đổi với Tiền Phong, hôm qua (20-2).

> Ông Hoàng Hữu Phước gửi thư xin lỗi ông Dương Trung Quốc
> Tác giả 'Tứ đại ngu' có dấu hiệu phạm luật hình sự
> Ông Hoàng Hữu Phước trần tình về 'Tứ đại ngu'
> Tướng Thước nói về tâm và tầm đại biểu Quốc hội

Ông Đào Trọng Thi nói: Việc tranh luận của hai ĐBQH với hai quan điểm khác nhau là bình thường. Khi thảo luận một vấn đề, không chỉ hai, thậm chí có rất nhiều ĐB có quan điểm khác nhau.

Nhưng qua thảo luận sẽ phản ánh được ý kiến khác nhau của cử tri và ý kiến khác nhau của ĐBQH, từ đó đi đến quan điểm chung, có thể thống nhất ý chí của nhiều bộ phận khác nhau. Việc có ý kiến khác nhau rất bình thường và nên như vậy chứ nếu tất cả đều nhân nhượng, đều hòa thuận, đồng thuận thì chưa phải là tốt.

Có tranh luận thì mới tìm ra được những lập trường tốt nhất, giải pháp, hiệu quả nhất. Thứ hai, ĐB có thể tranh luận trên nghị trường và nếu họ còn có nhu cầu họ vẫn có thể tranh luận ở ngoài nghị trường: Có thể tranh luận ở hành lang, gặp riêng hoặc đưa ý kiến trên phương tiện thông tin đại chúng, để ý kiến đó được cử tri tham gia, đó là điều rất tốt.

Nhưng cái cần ở đây, không phải chỉ ĐBQH mà là hai công dân, hai con người trong xã hội, khi tranh luận, trao đổi ý kiến cũng phải lịch sự, xây dựng, hướng đến tìm ra tiếng nói chung. Tôi nghĩ đó là những nguyên tắc tối thiểu chung.

Không thể quy định như với học sinh

Nhìn nhận câu chuyện ĐB Hoàng Hữu Phước (Đoàn ĐBQH TPHCM) viết trên blog cá nhân một số nội dung đối với ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH Đồng Nai), ông có bình luận gì?

Áp vào điều kiện cụ thể của hai ĐB vừa rồi, việc ĐB viết blog như thế (mà có người quan niệm là nhật ký riêng), thì nói thật chúng ta phải có cách tiếp cận khác. Không thể xem blog như là trang hoàn toàn riêng tư của một người, cho dù anh trình bày là không có ý chia sẻ rộng rãi.

Đã là blog, chuyện nó phát tán ra dư luận là rất lớn. Bởi vậy, mỗi người khi viết blog thì không thể xem đây là viết của riêng mình. Viết phải với tinh thần trách nhiệm, ứng xử có văn hóa, có ý thức xây dựng, như viết một văn bản mà anh muốn công bố với công chúng.

Tôi nghĩ cái thiếu sót đáng tiếc vừa qua trong câu chuyện này là ở chỗ đó thôi. Cứ xem như đây là trường hợp ĐB vô tư viết riêng cho mình thôi cũng phải rút kinh nghiệm. Tôi nói thật, ai mà viết nhật ký thì cũng phải viết với một tinh thần văn hóa, dù là chỉ cho riêng mình đọc. Bởi biết đâu người thân của mình, bạn bè của mình đọc thì sao.

Từ câu chuyện ứng xử đáng tiếc đó, có người đặt vấn đề to tát hơn bởi những người trong câu chuyện này là ĐBQH - là hình ảnh đại diện cho cử tri?

Có một số người đặt vấn đề lớn hơn, tức là phải có cái xử lý gì đó, nhưng tôi nghĩ cái này chắc là không phải phạm trù mang tính chất hành chính. Đây là phạm trù đạo đức, phạm trù về quan hệ xã hội, quan hệ giữa con người với con người. Tất nhiên, đã là ĐBQH thì phải thấy mình có vị thế xã hội, với vị thế đó mình phải có trách nhiệm hơn. Có lẽ không nên đặt vấn đề có quy định riêng về ứng xử, trao đổi giữa các ĐBQH với nhau. Vì giữa con người với nhau đã phải có ứng xử trong một khuôn khổ nhất định. ĐBQH càng nên gương mẫu hơn chứ.

Nếu đưa ra xem xét, giả sử trong trường hợp này ĐBQH Dương Trung Quốc cảm thấy những lời lẽ kia xúc phạm mình đến không thể chấp nhận được thì có thể khởi kiện ra tòa. Tòa sẽ xử theo pháp luật nếu sự xúc phạm ấy đến mức phải xử.

Tôi nghĩ như thế chứ không cần phải có quy định riêng về ứng xử, trao đổi giữa các ĐBQH. ĐBQH là những người có địa vị, có tư cách, mình đi quản lý cả chuyện người ta trao đổi với nhau sao? Không thể như vậy. Mà cho dù quy định thì chắc gì đã là tôn trọng ĐBQH, vì đấy là những con người có tính độc lập, tự hiểu được người ta phải làm gì. Không nên quy định như kiểu nội quy với học sinh đối xử với nhau phải thế nọ, thế kia. Đối với ĐBQH nên tôn trọng tính tự chịu trách nhiệm của họ trước xã hội. Bản thân họ cũng phải có trách nhiệm, phải làm tấm gương ứng xử có văn hóa trong xã hội.

Có ý kiến cho rằng, cơ quan của QH phải vào cuộc, phải xử lý thì tôi nghĩ không cần phải như vậy.

Tranh luận ngoài nghị trường là rất bình thường

Ông có cho rằng có vấn đề ĐB Hoàng Hữu Phước viết trong blog có thể chưa được tranh luận đến tận cùng tại Quốc hội?

Theo tôi thì không phải như vậy. Tôi nhớ là thảo luận tại QH khi xem xét thông qua Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, có những luật liên quan đến nội dung mà các anh ấy đề cập. Các anh ấy và ĐBQH đều đã có nhiều cơ hội để thảo luận, thể hiện quan điểm của mình. Trong trường hợp cụ thể, anh Quốc và anh Phước đều có phát biểu tại Quốc hội cả rồi. Những gì mà anh ấy nói lại ở đây cũng không có gì mới.

ĐBQH có quyền phát biểu ở ngoài nghị trường với tư cách là công dân. Nhưng phát biểu ở nghị trường thì nó lại có một giá trị khác. Là diễn đàn chính thức của Nhà nước, cho nên phát biểu tại đó có tác động ảnh hưởng rất lớn. Dù đã phát biểu tại nghị trường rồi, các anh ấy vẫn có quyền phát biểu ở đâu đó hay trên mạng là quyền của các anh ấy.

ĐBQH viết trên blog với ứng xử như trong chuyện này là một trường hợp hiếm gặp, điều này ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh của ĐBQH?

Tất nhiên là có ảnh hưởng. Mỗi ĐB có trách nhiệm phải bảo vệ hình ảnh của mình như là các công dân tiêu biểu. Lời ăn tiếng nói một người bình thường đã phải chú ý, ĐBQH càng phải chú ý.

Cảm ơn ông!

Ông Phước gửi thư xin lỗi ông Dương Trung Quốc

TPHCM (TP) - Ngày 20-2, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Hữu Phước đã trực tiếp đến Văn phòng Đoàn ĐBQH TPHCM nhờ chuyển thư xin lỗi của ông đến ĐBQH Dương Trung Quốc (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai). Ông Phước cũng có thư gửi Văn phòng Đoàn ĐBQH TPHCM song nội dung của cả hai lá thư nói trên chưa được tiết lộ. Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ông cũng muốn để câu chuyện này lắng xuống.

*Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo một cơ quan của Quốc hội (đề nghị không nêu tên) cho biết “để có ý kiến gì về việc này thì chưa có căn cứ”, vì không có văn bản nào quy định về ứng xử giữa các ĐBQH.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.