Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Tại tờ trình Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh giảm 5% so với hiện nay, về mức 15%. Riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đứng) |
Góp ý, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng mức thuế áp với các lĩnh vực truyền thông báo chí, văn hóa hiện quá cao. Trong khi đó, nguồn thu của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm.
“Báo chí vừa bị giảm thu quảng cáo, vừa phải tăng chi đầu tư đáp ứng yêu cầu mới nên gặp khó khăn. Cần áp mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để ngành này vượt qua khó khăn", ông Trần Hoàng Ngân nói.
Tăng thuế vàng mã để giảm lãng phí
Về các quy định trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) bày tỏ thống nhất cao với đề xuất đưa vàng mã, hàng mã thuộc diện chịu thuế. “Việc đốt vàng mã của người dân ngày càng trở nên phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây lãng phí lớn”, bà Dương Minh Ánh nêu.
Ngoài biện pháp như tuyên truyền, vận động, bà Dương Minh Ánh cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng mã sẽ góp phần thay đổi hành vi của người dân, góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội). Ảnh: Như Ý |
Đề xuất thêm, bà Dương Minh Ánh kiến nghị ban soạn thảo bổ sung mặt hàng như túi nilông, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi đây cũng là những mặt hàng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguy hại đến sức khỏe của người dân.
Cân nhắc lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia
Đối với quy định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, Chính phủ nêu hai phương án; đồng thời đề xuất lựa chọn phương án tăng từ năm 2026. Cụ thể, Chính phủ cho biết giá bán bia, rượu năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước.
“Phương án này sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra”, tờ trình của Chính phủ nêu.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu tại phiên thảo luận. |
Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề xuất cân nhắc lộ trình thực hiện, đảm bảo lợi ích hài hòa “nhà nước, doanh nghiệp và người dân”.
“Qua khảo sát thì thấy rằng rượu, bia phi chính thức, nhập lậu là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc. Nên cũng cần công bằng với doanh nghiệp trong nước làm ăn nghiêm túc. Do vậy cần đánh giá đầy đủ, hài hòa sự tác động việc điều chỉnh thuế”, ông Hạ nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng đề nghị cân nhắc lộ trình tăng thuế cho phù hợp. Theo ông Ngân: “Muốn tăng thuế suất với mặt hàng bia phải cân nhắc hài hòa giữa việc tăng thu và mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu, cũng như sự ảnh hưởng của thuế suất đến ngành sản xuất và người lao động”.
Nhấn mạnh mục tiêu giảm tiêu thụ rượu, bia nhằm bảo vệ sức khỏe người dân là cực kỳ cần thiết, tuy nhiên đại biểu Ánh cũng đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới.
Bà Ánh đề nghị ban soạn thảo cân nhắc giãn việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu, bia và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 trở đi.