Để đảm bảo tính minh bạch, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần phải tách bạch nhà tạm giữ, tạm giam khỏi hệ thống cơ quan công an cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo tính khách quan. Theo ĐB Vinh, đề xuất này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn:
“Bức cung, nhục hình vẫn xảy ra dù không phải do cơ quan quản lý thực hiện, nhưng lại xảy ra ở đó. Do vậy dù là cố ý hay vô ý vẫn là lỗi của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam. Do vậy cần phải tách tạm giữ, tạm giam ra khỏi cơ quan công an cấp huyện, tỉnh. Tôi đề nghị giao cho Tổng cục thi hành án hình sự quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ để đảm bảo độc lập, tránh cơ quan cùng cấp phụ trách dẫn đến bức cung, nhục hình”.
Tương tự, ĐB Điều Krứ (Đăk Nông) lập luận, bắt người tạm giữ, tạm giam mục đích là để đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên điều này cũng dễ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền công dân. ĐB đề nghị nên giao cho Bộ Công an quản lý từ Trung ương đến địa phương, tránh bức cung nhục hình, dẫn đến oan, sai và tạo dư luận không tốt.
Tỏ ra băn khoăn khi giao nhà tạm giữ cấp huyện cho cơ quan cùng cấp quản lý, theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), nhà tạm giữ cấp huyện còn khó khăn cả về cơ sở vật chất cũng như tính chuyên nghiệp, đặc biệt tính độc lập bị hạn chế. Đề nghị không nên giao cho công an cấp huyện quản lý, tránh lằng nhằng giữa tạm giữ và tạm giam, ĐB Nam đề nghị, nếu có trường hợp đặc biệt, cần phải được quy định, nhưng cũng không nên phổ biến.
Không đồng tình với các quan điểm trên, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) lại cho rằng, việc giao nhà tạm giữ, tạm giam cho cơ quan công an cấp tỉnh, huyện quản lý không có vướng mắc, trở ngại gì, cũng hoàn toàn mang tính độc lập. Theo ĐB Dân, đối với trại giam cấp huyện hiện nay đã được sửa chữa tương đối tốt, trong trường hợp có quá tải, có thể chuyển sang trại tạm giam cấp huyện khác.
Cũng đồng tình với quy định giao trại tạm giữ, tạm giam cho công an cấp huyện quản lý, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) còn đề nghị 4 trại tạm giam, tạm giữ thuộc Bộ công an hiện nay nên tách ra khỏi cơ quan điều tra. ĐB Khá đề nghị giao cho Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý để thống nhất đầu mối.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thì đề nghị chuyển về cho Bộ Tư pháp quản lý để đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời cũng là “kênh” giám sát chống bức cung nhục hình.