Đại biểu Quốc hội đề xuất mô hình ‘đài truyền hình vùng’, tiết kiệm chi phí trăm tỷ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Theo tôi, nên mạnh dạn theo hướng, các đài địa phương hết sức khó khăn, chúng ta có thể cân nhắc phát triển thành các đài truyền hình vùng được không?”, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, nêu.
Đại biểu Quốc hội đề xuất mô hình ‘đài truyền hình vùng’, tiết kiệm chi phí trăm tỷ ảnh 1

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên)

Cần “tinh chứ không đông”

Sáng 7/1, Quốc hội thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) viện dẫn báo cáo nêu, quy hoạch hình thành 20% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn, tích cực trong xã hội để hỗ trợ phù hợp.

Vừa qua, Chính phủ tổ chức hội nghị về truyền thông chính sách, là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, bộ ngành chứ không phải nhiệm vụ của riêng cơ quan báo chí. Theo ông, đây là hướng tiếp cận rất tích cực.

Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về con số 20% các cơ quan báo chí điện tử “được ưu tiên”, vậy 80% còn lại thì sao?

“80% cơ quan đấy có quan trọng hay không? Nếu chúng ta phân định thế này sẽ dẫn tới phân tâm, đầu tư liệu có hiệu quả?”, đại biểu đoàn Phú Yên nêu.

Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, bên cạnh đầu tư các cơ quan báo chí trực tiếp, cần “tinh chứ không đông”. Do vậy, nên đầu tư đặt hàng các tác phẩm chất lượng cao.

Đại biểu ví dụ, như Ban Tổ chức Trung ương có Giải báo chí Búa liềm vàng rất tích cực. Khi có thi, có đánh giá và quảng bá thì tự các nhà báo, phóng viên đầu tư các tác phẩm chất lượng.

“Hay như Quốc hội cũng vừa phát động Giải Diên Hồng, tôi tin rằng đây cũng là giải báo chí huy động được trí tuệ các nhà báo, phóng viên, kể cả người không chuyên viết về Quốc hội, HĐND”, ông Nghĩa nêu.

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cách đầu tư đặt hàng như vậy nên được ưu tiên hơn là đầu tư vào các cơ quan báo chí theo hướng rất lớn nhưng hiệu quả khó tính vì nguồn lực của chúng ta không quá lớn.

Đại biểu Quốc hội đề xuất mô hình ‘đài truyền hình vùng’, tiết kiệm chi phí trăm tỷ ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Cũng liên quan lĩnh vực báo chí, đại biểu quan tâm đến nội dung khuyến khích sáp nhập, tổ chức lại cơ quan báo chí theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng.

Về việc này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, nên bỏ từ “khuyến khích” trong mục sáp nhập các cơ quan báo chí, bởi nếu chỉ “khuyến khích”, hiệu quả sẽ không cao.

“Hiện nay cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí, trong khi nhiệm vụ chồng chéo nhau, có vi phạm nên việc hợp nhất cần thực hiện mạnh chứ không phải khuyến khích”, bà Nga nêu.

ĐB Đỗ Chí Nghĩa lại có quan điểm khác. "Chúng ta có quy hoạch báo chí hướng đến 2025 và hiện nay có một số đơn vị như Quảng Ninh sáp nhập Trung tâm Truyền thông, Bình Phước sáp nhập báo, truyền hình vào một. Chúng ta cần có đánh giá tác động trước khi có những định hướng lớn như thế này với sự phát triển của báo chí”, ông Nghĩa nêu.

Theo đại biểu, nếu như cơ quan báo chí sáp nhập, trước hết việc xây trụ sở là tốn kém hằng trăm tỷ vì đài truyền hình riêng, báo riêng, cách vận hành khác… Tuy nhiên, nếu trở thành một cơ quan đa phương tiện thì tự nhiên phải có trụ sở để cả phát thanh, truyền hình cùng một chỗ. Trong khi đó, không phải tỉnh nào cũng có nguồn lực như vậy.

“Có thể Quảng Ninh làm tốt nhưng tỉnh khác chưa chắc. Theo tôi, nên mạnh dạn theo hướng là các đài địa phương hết sức khó khăn, chúng ta có thể cân nhắc phát triển thành các đài truyền hình vùng được không?

Chúng ta đang phát triển kinh tế vùng, quy hoạch theo vùng thì chúng ta bớt được chi phí vài chục đến vài trăm tỷ cho một đài ở địa phương và tính liên kết, tầm nhìn rộng mở hơn rất nhiều, hơn là sáp nhập báo với đài truyền hình một cách khiên cưỡng và có vẻ bớt được đầu mối nhưng không bớt được gì cả, vì cán bộ vẫn như vậy mà hiệu quả hoạt động khó khăn hơn. Chúng ta đầu tư tiền, cơ sở trong khi nhiều tỉnh đang khó khăn”, ông Nghĩa phân tích.

“Chạy Grab mà vẫn comple, cà vạt thì rất vướng víu

Về trang thông tin điện tử, đại biểu hoan nghênh trong đề án, Chính phủ đề xuất tích hợp mạng xã hội và trang thông tin điện tử vào cùng một giấy phép rất hiệu quả.

Đáng lưu ý, chúng ta đang yêu cầu mạng xã hội riêng, trang thông tin riêng, dẫn tới mạng xã hội được bình luận nhưng không được đưa thông tin lên. Trong khi đó trang thông tin điện tử đưa thông tin lên nhưng không được bình luận.

“Chúng ta tự hạn chế tác động xã hội của chúng ta trong khi các mạng xã hội nước ngoài không bị quy định này.

Chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất, hiện nay các cơ quan báo chí đang đưa lên mạng thông tin nhưng lo lắng comment của bạn đọc không quản lý được, nên hầu hết phải tắt bình luận. Bài có thể rất hay nhưng không nổi lên đầu các trang mạng như Facebook. Như vậy, rõ ràng sức ảnh hưởng, tác động hạn chế.

Tôi mong các cơ quan quản lý báo chí quan tâm vấn đề này. Chúng ta hãy đưa thông tin lên, mạnh mẽ và sẵn sàng comment đa chiều để chúng ta có sự cạnh tranh tích cực hơn.

Tôi nghĩ đã lên mạng xã hội chúng ta phải có cách thức linh hoạt hơn, chứ nếu chúng ta chạy Grab mà vẫn comple, cà vạt thì rất vướng víu”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.