Ghi nhận tại diễn đàn Quốc hội, vắc-xin và các giải pháp ngăn ngừa COVID-19 là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, khi đề cập đến tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng), khi dịch COVID-19 đã đi vào khu công nghiệp, tác động lớn tới tăng trưởng 6 tháng cuối năm, do đó đòi hỏi cần giải pháp mạnh hơn nữa.
Ông Việt cho rằng, tiêm vắc-xin là chiến lược quan trọng, mang tính quyết định, song thời gian qua lượng vắc-xin nhập khó khăn. Ông cũng đề nghị Chính phủ cần công khai, minh bạch trong kế hoạch tiêm chủng.
“Chúng ta mới được biết qua báo chí chứ chưa thấy có kế hoạch địa phương được phân bổ bao nhiêu, kế hoạch hàng tuần tiêm được bao nhiêu… Người dân đăng ký nhưng không biết bao giờ tiêm nên cần có kế hoạch rõ ràng hơn.
Theo tôi, nên ưu tiên cho các tỉnh có dịch như ở miền Nam và TP HCM. Qua đó, dành vắc-xin ở miền Bắc để tiêm cho Nam, vì khi ngăn chặn được dịch phía Nam cũng góp phần ngăn chặn, không để lây lan sang các tỉnh khác”, ông Việt nêu quan điểm.
Theo ông Việt, trong bối cảnh diễn biến dịch còn phức tạp, nhiều chủng mới xuất hiện, nên việc kiểm soát, đạt miễn dịch cộng đồng như kế hoạch đề ra là khó, vì các nước tiêm tỷ lệ cao như châu Âu còn lây nhiễm cao. Chính vì vậy, để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, đòi hỏi cần có sự vào cuộc, quyết tâm rất cao.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cũng đánh giá cao vai trò của việc tiêm vắc-xin để ngăn ngừa dịch bệnh và nếu Việt Nam sớm có sẽ sớm giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Cần Thơ, việc nhiều nơi công bố sẽ tiêm cho người dân, trong bối cảnh này sẽ gây ra nhiều suy nghĩ khác nhau.
“Thành phố Hà Nội tuyên bố sẽ tiêm khoảng 6 triệu liều vắc-xin, người dân nơi khác, đặc biệt những nơi có dịch sẽ nghĩ sao, vì họ tìm hoài không thấy mà nơi chưa cần thiết lại có nhiều. Vì vậy, Chính phủ cần tính toán trong phân phối vắc-xin”, đại biểu Phương nêu.
Đề cập đến cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP HCM) – nơi đang nóng bỏng bởi dịch bệnh đề nghị, cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay.
Ghi nhận chiến lược phòng chống dịch đã chuyển trọng tâm vào việc nhanh chóng tiêm chủng rộng rãi cho cộng đồng, coi đây như chìa khoá thoát khỏi dịch bệnh, song bà Lan cho rằng, cần đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vắc-xin.
“Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch…nhưng với biến chủng Delta bây giờ, liệu đó có còn là những biện pháp căn bản hay không?”, đáng lưu ý, theo bà Lan, việc tập trung chống dịch cũng tạo ra nghịch lý khi nhiều bệnh nhân mãn tính ngại đến bệnh viện, nên không được chăm sóc kịp thời.
“Công tác khám chữa bệnh cũng như chính sách bảo hiểm y tế cần có sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế, trong khi các đơn vị y tế giờ không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì nhận tiền rất rủi ro, chưa nói cố tình vi phạm, nhưng anh em nhiều khi không nắm được quy định, không dám giải ngân”, bà Phóng Lan phản ánh.