Đại biểu Quốc hội: Áp lực không có nghĩa là làm phản giáo dục

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội
TPO - Không thể lấy lí do nào để biện minh cho việc cô giáo phạt tát học sinh 231 cái, dù cũng phải thấy rằng bản thân nghề giáo bây giờ nhiều áp lực.

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục thanh niên-thiếu niên - nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh khi trả lời Tiền Phong về việc cô giáo ở Quảng Bình đã "lệnh" cả lớp tát học sinh 231 cái khiến em này nhập viện gây dư luận không tốt.

Biện pháp lực chọn của cô giáo là không thể chấp nhận được

PV: Vụ việc ở trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) khi cô giáo cho tát 231 cái khiến học sinh này nhập viện khiến dư luận "dậy sóng"? Xin ông cho biết quan điểm về vụ việc, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng: Đây là một biện pháp giáo dục phản giáo dục. Rõ ràng trong việc giáo dục học sinh việc áp dụng hình phạt phù hợp là cần thiết để có tác dụng răn đe, giáo dục học sinh. Tuy nhiên, chọn cách giáo dục học sinh như thế nào, giải pháp ra sao thì phải chọn hình thức phù hợp và nguyên tắc không được phản cảm, phản giáo dục, không được xúc phạm danh dự và thân thể của học sinh.

Trong vụ việc này, hình phạt của cô giáo vừa xúc phạm đến danh dự, thân thể của học sinh mà vừa phản tác dụng ở chỗ lấy hành vi bạo lực là cả lớp đối xử với một học sinh như thế thì rõ ràng hành vi, biện pháp lựa chọn của cô giáo là không chấp nhận được. 

PV: Cô giáo “biện hộ” lí do phạt học sinh bị do nóng giận và áp lực thành tích. Cá nhân ông thấy liệu lí do này có chấp nhận được không, thưa ông?

Không thể lấy lí do nào để biện minh cho việc làm của cô giáo. Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ với cô bởi vì bản thân nghề giáo bây giờ nhiều áp lực. Qua thông tin báo chí chúng ta cũng biết, trường sắp đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Chuyện áp lực thi đua là có thể có thực. Chúng ta có thể chia sẻ điều này với cô giáo.

Thực ra, gần đây xã hội lên án nhiều bệnh thành tích trong giáo dục, các phong trào thi đua không thiết thực. Rõ ràng, xã hội cũng không chấp nhận chuyện đó nhưng thực tế chuyện đó vẫn chưa thể thay đổi ngay được, nó vẫn có và chắc chắn cũng góp phần tác động đến tâm lý của cô để dẫn đến hành động ấy. 

Cũng nên chia sẻ với cô chuyện này nhưng việc cô chọn hình phạt đó thì không thể chấp nhận được.

PV: Sau chuyện này, cũng là lúc ngành giáo dục cần phải quyết liệt hơn để loại bỏ "bệnh thành tích" trong giáo dục không, thưa ông?

Ngành giáo dục đã, đang làm trong thời gian gần đây và dư luận cũng lên án nhiều đến vấn đề này. Đến bây giờ, có lẽ, sẽ cần phải quyết liệt hơn trong việc chống bệnh thành tích , phong trào thi đua mang tính hình thức trong ngành.

Cần đánh giá khách quan sai lầm của cô giáo

PV: Được biết, bà hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh muốn “ém nhẹm” chuyện này đi vì trường sắp đạt chuẩn quốc gia. Ông nghĩ sao về điều này?

Đó là biểu hiện của bệnh thành tích nữa. Đã có lỗi thì phải nhận, có khuyết điểm thì phải khắc phục, sửa sai. Nếu không nhìn thẳng, không đánh giá đúng, không xử lý một cách kiên quyết thì nó không thể chấm dứt được hành vi, hiện tượng như vậy. Như vậy, trường phải chấp nhận vì chuyện này mà ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường có thể không được công nhận trường chuẩn quốc gia ở thời  điểm này mà chuyển sang một thời điểm khác thì đó cũng là việc cần phải làm. 

Nhưng mà, như thế, cũng cần xem xem như việc quản lý của nhà trường với giáo viên như thế nào. Ngay cả, các phong trào thi đua của nhà trường thực chất đã đúng chưa, hay cũng là một lí do tạo nên áp lực đối với đội ngũ giáo viên của nhà trường trong đó có cô giáo bị dư luận đang chú ý và bàn tới đây.

PV: Từ sự việc này, xã hội vẫn có lí do để lo ngại về một môi trường giáo dục có nhiều bạo lực trong học đường? Ông có thấy như vậy không?

Nói là rất nhiều cũng không đúng. Trong số lượng học sinh của chúng ta lên tới con số chục triệu trên khắp cả nước nhưng thực ra chúng ta biết và báo chí phản ánh vài vụ việc thôi. Vì thế, cũng không nên quan niệm bạo lực quá nhiều, quá tràn lan trong học đường.

Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định chuyện này là có trong giáo dục, trong học sinh hiện nay và giữa các mối quan hệ trong nhà trường: học sinh với thầy cô, học sinh với học sinh, trong ứng xử trong nhà trường có yếu tố bạo lực là có.

PV: Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để tạo môi trường giáo dục lành mạnh cho học sinh và cả giáo viên, thưa ông?

Ngành giáo dục nói chung, các nhà trường nói riêng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.. Thậm chí, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cả kĩ năng xử lý tình huống cho các thầy cô, để các thầy cô quán triệt phương châm, mục tiêu giáo dục và phải có bản lĩnh, kĩ năng cần thiết để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp.

Ngoài ra, bản thân gia đình, xã hội chia sẻ trách nhiệm giáo dục với nhà trường để giáo dục con em mình, cùng định hướng với nhà trường để hạn chế hành vi đạo đức, vi phạm, kỉ luật trong học sinh. 

Xin cảm ơn ông!

Đại biểu quốc hội: Sốc, biểu lộ sự phản giáo dục

Trả lời trên báo chí, Đại biểu Quốc hội - PGS.TS Hoàng Văn Cường cảm thấy sốc. Sốc là bởi vì, tôi không thể nghĩ rằng lại có việc dùng bạo lực như thế để giáo dục một hành vi không đúng. Điều đó là phản giáo dục. Khi học sinh có hành vi không đúng thì cô giáo lại đi dùng một hành vi không đúng nữa (tức là dùng bạo lực) để dạy dỗ, xử lý học sinh, điều đó không thể được.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Dạy học sinh nhỏ tuổi mà lại dùng chính các em học sinh khác tát một em đến 230 cái như vậy là không thể chấp nhận được. Đây không phải là cách giáo dục cổ điển, trong cuộc sống hiện đại càng không thể xử lý như vậy. Hành vi này biểu lộ sự phản giáo dục, rất khó hiểu của người đứng trên bục giảng nhà trường. Việc sử dụng 23 bạn để tát một học sinh như vậy đã gây ra "một nỗi nhục" cho chính các em học sinh.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): Vụ việc vừa qua phản giáo dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Thay vì phải yêu thương, giáo dục học sinh thì vị giáo viên này lại dùng những em học sinh khác trong lớp để bạo hành chính bạn của mình, gây tổn thương lớn về tâm lý của em học sinh bị tát cũng như các học sinh là bạn cùng lớp đã tát em. Vụ việc này không chỉ có vấn đề ở phương pháp sư phạm, đạo đức nghề giáo mà còn cho thấy tâm lý của giáo viên cũng bất bình thường.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nêu quan điểm, dù với bất cứ lý do gì, cách phạt của cô giáo này cũng hoàn toàn sai trái, thể hiện sự thiếu kiềm chế trong giáo dục. Cần rà soát lại quá trình công tác của cô T., xem xét cô đã từng có những hành vi phản sư phạm chưa, từng bị nhắc nhở chưa. Điều quan trọng là phải khiến cô ấy nhận ra cái sai của mình để cải thiện tốt hơn.

MỚI - NÓNG