Đại biểu Hoàng Đức Thắng: Không làm sai làm trái thì ai chống phá ta được?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh: Nhật Minh
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị). Ảnh: Nhật Minh
TPO - Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nói như vậy khi tranh luận lại với đại biểu Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố HCM về hàng loạt các “kỳ án” được dư luận quan tâm, trong đó có vụ Hồ Duy Hải, vụ tự tử ở trụ sở tòa án, vụ lùi xe trên đường cao tốc...

Mở đầu phần thảo luận chiều 13/6 về tình hinh kinh tế- xã hội, ĐB Hoàng Đức Thắng đã “bấm nút” để tranh luận lại với Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Hồng Phong về nghi ngờ của dư luận đối với hàng loạt các vụ án như: Vụ Hồ Duy Hải, vụ nghi vấn công ty Nhật hối lộ ở Bắc Ninh, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ nhảy lầu tự tử ở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, vụ củi khô ở Kon Tum và vụ gỗ tại Quảng Trị.

"Với trách nhiệm là ĐBQH, chúng ta có mặt tại đây, nghị trường này là đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Vì vậy ĐBQH, hay nói rộng ra là đại biểu của dân không thể, không được vô cảm trước nhân dân, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.

Ông Thắng khẳng định những gì đã biểu sáng nay giữa nghị trường và quốc dân cũng là xuất phát từ trách nhiệm với người dân và công lý, trong đó có trách nhiệm xây dựng cho các cơ quan tư pháp. Và ông thấy đáng tiếc vì ĐB Phong đánh đồng phát biểu của ông là nói theo báo chí, theo luận điệu của những đối tượng có dụng ý xấu… "Phát biểu của ĐB Phong, vô hình trung, dẫn dắt suy nghĩ là ĐB nói theo báo chí, dư luận phản động, dễ dẫn tới tổn thương tư cách ĐBQH", ông Thắng nói.

Bày tỏ đồng ý với ĐB Phạm Hồng Phong "ở điểm là đừng để lực lượng chống phá ta lợi dụng", song ĐB Hoàng Đức Thắng cho rằng "vậy thì đơn giản là chúng ta không để họ có gì lợi dụng", "'phải sửa mình cho tốt, không làm sai làm trái thì ai chống phá ta được. Khi làm đúng rồi thì nhân dân luôn bên ta. Bài học đấu tranh chống diễn biến hòa bình vừa qua đã quá rõ. Tôi thành tâm đồng ý và hoan nghênh thiện ý này của ĐB Phong", ĐB Thắng nói.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng: Không làm sai làm trái thì ai chống phá ta được? ảnh 1 Vụ án Hồ Duy Hải đang được dư luận quan tâm

Cũng tranh luận lại với đại biểu Phong, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải có trách nhiệm với cử tri thực thi giám sát. Cho nên, những cái gì đại biểu Quốc hội phát biểu về cơ quan hành pháp, tư pháp, trong đó có các vụ án là phản ánh những băn khoăn của cử tri, đồng thời có trách nhiệm của  đại biểu Quốc hội.

ĐB Nghĩa cũng nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “có những cán bộ tưởng rằng công khai, phê bình những khuyết điểm của mình là có hại vì kẻ địch sẽ  lợi dụng để phản tuyên truyền giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền, thế là lầm, thế là ốm và sợ thuốc. Nếu không muốn kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là tránh những sai lầm, khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì muốn bưng bít người ta cũng biết”.

Theo ông Nghĩa, khi có khuyết điểm hoặc ghi là có khuyết điểm thì phải nêu để  bàn bạc với nhau. “Tôi muốn kết luận tranh luận của tôi bằng câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rằng “đừng thấy đỏ tưởng chín””.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng: Không làm sai làm trái thì ai chống phá ta được? ảnh 2  ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh).

Trước đó, trong buổi sáng, 13/6, ông Thắng đã dẫn ra hàng loạt các vụ án khiến người dân gây bức xúc, nghi ngờ tính đúng đắn về phán quyết của tòa án như: Vụ Hồ Duy Hải, vụ nghi vấn công ty Nhật hối lộ ở Bắc Ninh, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ nhảy lầu tự tử ở Tòa án tỉnh Bình Phước, vụ củi khô ở Kon Tum và vụ gỗ tại Quảng Trị...

“Những vụ việc này khiến người dân phải chấp hành án phạt tù trong sự đau khổ, uất ức, của cải bị bán, bị tịch thu khuất tất, người thì uất ức thắt cổ tự tử. Nhiều người tù tội đang tiếp tục kêu oan chờ mong mòn mỏi vào công lý để nỗi oan khiên được minh giải. Có thể nói đây là phần nổi của tảng băng chìm đang bào mòn lòng tin của người dân”, ông Thắng nói.

Ngay sau đó, ông Phong đã tranh luận lại cảnh báo, nhiều thế lực phản động đang chống phá Đảng, Nhà nước, đòi tam quyền phân lập nên cần hết sức cảnh giác. “Chúng ta không nên đưa ra những hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền tư pháp, tôi nghĩ là chưa đúng”, ông Phong nói.

MỚI - NÓNG