Còn nhiều vụ án gây băn khoăn, nghi ngờ
Thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, sáng 13/6, ĐB Hoàng Đức Thắng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng trong thời gian qua. Tuy nhiên theo ông, vẫn còn những vụ án được xét xử trong thời gian qua gây bức xúc, băn khoăn, nghi ngờ trong dư luận về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án, cũng như những vi phạm trong hoạt động xét xử.
Điển hình như vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên đường cao tốc ở Thái Nguyên, vụ ông Lê Hữu Phước ở Bình Phước tự tử ở trụ sở tòa án, rồi vụ củi khô ở Kon Tum; vụ buôn lậu gỗ ở Quảng Trị.
“Vụ buôn lậu gỗ ở Quảng Trị có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Trị đã phản ánh, kiến nghị giám đốc thẩm cách đây 1 năm nhưng đến nay chưa được xem xét trả lời”, ông Thắng phản ánh.
Theo ông Thắng, những vụ án có “vấn đề” khiến người bị phạt tù đau khổ, oan ức. Người uất ức thì tự tử hoặc kêu oan trong mòn mỏi. “Đây là điều đòi hỏi Quốc hội cần phải cương quyết hơn nữa trong việc thực hiện giám sát để bảo đảm công lý”, ông Thắng kiến nghị.
Không vì 1-2 vụ việc mà đánh giá cả nền tư pháp
Bấm nút xin tranh luận, ĐB Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, khi xét xử, Hội đồng xét xử phải dựa vào hồ sơ. Phải kiểm tra các chứng cứ qua các lời khai, rồi tranh tụng tại phiên tòa. Sau đó mới đưa ra được phán quyết của Hội đồng xét xử. “Chúng ta không nên chỉ một vài trang giấy, một vài bình luận trên báo để nói bản án chưa phù hợp”, ông Phong nói.
Đặc biệt, ông Phong cảnh báo, hiện nay rất nhiều thế lực phản động chống phá Đảng, Nhà nước, đòi tam quyền phân lập nên cần hết sức cảnh giác. “Hiến pháp đã quy định, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, ông Phong nói.
Cũng theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong hoạt động xét xử có hai cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Xét xử phúc thẩm là bản án đã có hiệu lực pháp luật và các cơ quan tổ chức, cá nhân phải thi hành. Tuy nhiên, người tham gia tố tụng cho rằng bản án có sai phạm thì có quyền làm đơn khiếu nại, yêu cầu giám đốc thẩm. Họ cũng có quyền kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại bản án.
“Chúng ta không nên đưa ra 1- 2 vụ việc cá biệt để đánh giá bản chất của cả một nền tư pháp”, ông Phong nói và cho rằng, “những người trong vụ án không nên bức xúc để rồi giải quyết bằng cách tiêu cực, thiếu suy nghĩ chín chắn”.