Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi sẽ chất vấn Thủ tướng

Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi sẽ chất vấn Thủ tướng
TP - Hôm qua, trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, ông sẽ chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về đối phó của Việt Nam trước nguy cơ tác động tiêu cực của biến đối khí hậu.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi sẽ chất vấn Thủ tướng ảnh 1

ĐB Dương Trung Quốc. Ảnh: Hồng Vĩnh


Tại sao ông lại chọn vấn đề biến đổi khí hậu để chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp này, thưa ông?

Vấn đề này đã được đặt ra tại Quốc hội từ khá lâu. Cách đây vài kỳ họp tôi phát biểu tại Quốc hội. Tôi quan tâm cũng do nghề nghiệp. Là người làm lịch sử, nên tôi hiểu lịch sử của trái đất đã có thời kỳ biển tiến, biển lùi. Sự thay đổi khí hậu mà trực tiếp là nước biển dâng từng xảy ra trong lịch sử. Có điều, trước kia là do quy luật vận động tự nhiên, nhưng hiện nay thì thấy rõ là do tác động của chính con người.

Ban đầu vấn đề này chỉ là thông tin khoa học, nhưng càng ngày chúng ta càng cảm nhận rõ sự ảnh hưởng của nó tới chính đời sống hàng ngày. Bão lụt ngày càng phức tạp, tàn phá ghê gớm, triều cường thường xuyên gây ngập lụt tại TP HCM.

Ông mong muốn gì từ người đứng đầu Chính phủ?

Tôi mong muốn Thủ tướng nhìn nhận đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Biến đối khí hậu trực tiếp liên quan đến một cộng đồng rất lớn trong dân cư, thậm chí toàn dân. Đây không phải là việc riêng của Chính phủ. Chính phủ nói đang làm nhưng dân có biết đâu. Như tôi là đại biểu quốc hội có biết gì đâu, đã bao giờ đưa ra Quốc hội đâu.

Vấn đề này không đơn thuần là xây dựng những công trình để ứng phó mà quan trọng hơn là ý thức. Đương nhiên, không nên tạo một không khí hoảng loạn, mà phải bình tĩnh, có bước đi, nhưng dân phải được biết, được tham dự. Sáng kiến của nhân dân sẽ góp sức cùng Chính phủ.

Tại sao các nguyên thủ quốc gia nói rất nhiều về vấn đề này, kể cả những quốc gia không bị ảnh hưởng nhiều. Thủ tướng Campuchia cũng vừa có bài phát biểu. Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra vào tháng 12 tới ở Copenhagen (Đan Mạch), vậy người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ nói gì nếu tham dự hội nghị này.

Tôi rất muốn Thủ tướng Việt Nam tham dự và phát biểu tại hội nghị này để mọi người cùng chia sẻ. Bởi, có một bất công là, tác nhân chính gây biến đổi khí hậu là những quốc gia phát triển nhưng nơi chịu đựng là những quốc gia nghèo, chậm phát triển như chúng ta. Tại kỳ họp này, tôi muốn Thủ tướng phát biểu quan điểm của Thủ tướng sẽ mang đến hội nghị Copenhagen là thế nào.

Trong quá trình ứng phó với thiên tai, bài học lịch sử nào  mà chúng ta cần  phải lưu tâm hiện nay là gì, thưa ông?

Vấn đề là chúng ta phải chủ động, trong đó, phải khắc phục tư duy nhiệm kỳ. Tôi nhận thấy các vị lãnh đạo vẫn chưa coi đó là việc của mình ngày hôm nay, mà cho rằng của nhiệm kỳ sau. Yếu kém lớn của chúng ta là không bao giờ có một quy hoạch dài hạn. Bây giờ, nhìn thấy rồi, chúng ta phải có bước đi, các nhiệm kỳ lãnh đạo đều phải quan tâm và coi đó là một nhiệm vụ quan trọng.

Chính phủ dự kiến sẽ xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia để ứng khó với biến đổi khí hậu, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được các bước đi cụ thể, thưa ông?

Tôi cảm thấy rất lo lắng. Ngay tại kỳ họp này, Chính phủ cũng chỉ nhắc tới là đã triển khai, chi 67,5 tỷ cho chương trình này. Nhưng thẩm định của Ủy ban Tài chính & Ngân sách cho thấy số tiền đầu tư này là dàn trải.

Tôi cho rằng cần nhiều hơn số tiền này, đi liền với đó là giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Tôi cảm nhận ngay cả Quốc hội cũng chưa thấy mức quan trọng của vấn đề. Chúng ta vẫn ứng xử với biến đổi khí hậu bằng tình huống, chứ chưa có tầm chiến lược.

Cám ơn ông.

Ngọc Tiến
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Lời cảnh báo sau thảm họa Mike Tyson - Jake Paul
Lời cảnh báo sau thảm họa Mike Tyson - Jake Paul
TPO - Nghệ sĩ gạo cội Howard Stern cảnh báo Netflix có thể trả giá đắt nếu hai trận đấu quan trọng của Giải Bóng bầu dục quốc gia vào dịp Giáng sinh tái diễn sự cố lỗi phát sóng trực tuyến như trận so găng giữa Mike Tyson - Jake Paul.