Chất vấn đến cùng, làm rõ trách nhiệm
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN. |
Ông Phạm Ngọc Quý, Hiệu phó Đại học Thuỷ lợi, cho rằng báo cáo của Chính phủ đã thể hiện cái nhìn toàn diện, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và tạo cho các đại biểu và cử tri cả nước có cái nhìn tổng thể về mọi mặt của đất nước.
Tuy nhiên, báo cáo sẽ sâu sắc hơn và chỉ ra rõ hơn công tác điều hành quyết liệt của Chính phủ và các thành viên Chính phủ nếu có các phụ lục diễn giải, phân tích cũng như có bảng so sánh từng vấn đề mà Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã hứa và thực hiện có kết quả đến đâu, sẽ tiếp tục thực hiện như thế nào; những gì chưa thực hiện được là vì nguyên nhân gì.
Còn theo ông Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thực phẩm (Bộ Công Thương), điều quan trọng là bản báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày chỉ ra những tồn tại của từng lĩnh vực mà thời gian tới cần phải làm tốt hơn. “Chúng tôi ghi nhận thái độ nghiêm túc của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và tinh thần thẳn thắn của Chính phủ trong việc kiểm điểm tình hình”, ông Mạnh nói.
Ông Trần Văn Tần, cựu chiến binh tỉnh Hà Nam, nhận xét: Thời gian qua Chính phủ đã làm được nhiều việc, từng bước giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Tuy nhiên, cũng có những việc còn tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới.
“Có những việc có chuyển biến, tuy chưa được như mong đợi của cử tri, nhưng cần có cách thông tin cụ thể để người dân hiểu rõ những việc Chính phủ đã làm được, để chia sẻ, để đề xuất…”, ông Tần nói.
Giải pháp cụ thể về hàng tồn kho, hàng kém chất lượng
Các cử tri đều mong muốn Bộ trưởng Bộ Công Thương sớm có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề hàng tồn kho và hàng kém chất lượng.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng Bộ trưởng đã nhìn thấy được thực trạng của thị trường về vấn đề hàng tồn kho, quản lý hàng kém chất lượng song các giải pháp Bộ trưởng đưa ra mới chỉ là các giải pháp dài hạn, trong khi đây là những vấn đề cần khẩn trương giải quyết ngay lập tức.
Ông Nam bày tỏ Nhà nước nên tập trung mạnh mẽ hơn vào việc chống hàng lậu, mở rộng thị trường hàng Việt, để hàng Việt “đi” vào cuộc sống người tiêu dùng, góp phần giải quyết vấn đề hàng tồn kho hiện nay.
“Tôi mong Bộ trưởng có một thái độ dứt khoát, tập trung chống hàng lậu quyết liệt, đồng thời có giải pháp về giá để nâng sức cạnh tranh của hàng Việt. Khi giá cả ngang nhau, chất lượng ngang nhau, tôi tin chắc người tiêu dùng Việt Nam sẽ chọn hàng Việt. Hàng nhập lậu hiện vẫn chiếm ưu thế hơn hàng Việt là do vấn đề giá chứ không hẳn do nhận thức của người tiêu dùng”, ông Nam bày tỏ.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đề xuất, bên cạnh giải pháp nâng cao chất lượng hàng trong nước, Bộ Công Thương cần xem xét tăng cường công tác quản lý thị trường, phối hợp liên bộ để có chế tài đủ mạnh xử phạt nặng các cơ sở làm hàng giả, hàng nhái.
Còn theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thuỷ sản tỉnh An Giang, Bộ Công Thương cần phối hợp với các Bộ ngành liên quan tăng cường đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc các lĩnh vực để đủ năng lực phân tích đánh giá chất lượng hàng hóa và phải đưa các phòng thí nghiệm trọng điểm tham gia vào công tác này.
Cần thông tin cụ thể về hàng kém chất lượng cho người dân là ý kiến của cử tri Lê Thị Hồng Loan (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Theo bà Loan, người tiêu dùng không thể tự kiểm định hàng hoá nên cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền, kiểm tra và công bố các mặt hàng kém chất lượng để người dân có căn cứ lựa chọn.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: TT. |
Cần mạnh tay hơn
Đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng Bộ trưởng đã có cái nhìn toàn cảnh về “bức tranh” thị trường bất động sản, đánh giá đúng về vấn đề “giải cứu” thị trường bất động sản.
Chia sẻ với tâm huyết và những trăn trở của Bộ trưởng, theo ông Châu đây là một vấn đề rất lớn bởi cơ cấu bất động sản nước ta hiện nay còn chưa hợp lý vì thừa những bất động sản cao cấp hoặc trung bình nhưng thiếu bất động sản phục vụ người dân thu nhập thấp. Nguyên nhân là do chúng ta còn thiếu thiết chế tài chính như quỹ phát triển bất động sản.
“Các giải pháp của Bộ trưởng đưa ra như cần tìm dự án để phân loại, tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tập trung để phát triển nhà ở xã hội, thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, cơ cấu lại căn hộ bất động sản theo từng vị trí, đô thị để phù hợp với người dân thu nhập thấp, khuyến khích chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội… đều rất hợp lý, có cái nhìn đồng bộ, có hệ thống quy hoạch”, ông Châu nhận định.
“Bộ trưởng đã nêu được nhiều vấn đề trong ngành, đồng thời đề ra được một số giải pháp cụ thể, quyết liệt” là ý kiến của ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng.
Ông Huynh cho biết, Bộ trưởng đã làm rõ được nguyên nhân thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng và đóng băng là do công tác quản lý Nhà nước, quy hoạch (nhà ở, đô thị) chưa tốt. Chẳng hạn như việc mở rộng Thủ đô, gần 1.000 dự án mở ra, có dự án được thực hiện trước cả quy hoạch, công tác quy hoạch chưa được làm đúng dẫn đến chất lượng quy hoạch không tốt.
Nhiều cử tri cũng quan tâm đến phần trả lời của Bộ trưởng đối với công tác quản lý tại địa phương và việc thất thoát, lãng phí tại các công trình xây dựng của Nhà nước.
Ông Trần Văn Huynh nói: “Về phân cấp quản lý dự án, công trình cho địa phương, Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận một số địa phương còn làm tùy tiện, vì lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, tôi mong Bộ trưởng cần tìm ra nguyên nhân cơ bản và đi sâu vào các biện pháp giải quyết. Về vấn đề thất thoát trong xây dựng công trình, Bộ trưởng đã nêu được giải pháp, tuy nhiên, cần phải có thêm các giải pháp mạnh hơn”.
Ông Huynh nhấn mạnh thêm, đa số các công trình Nhà nước làm rất kỹ, được thẩm định, xem xét kỹ, nhưng trong thời gian qua, việc chất lượng công trình không đảm bảo, bị thất thoát là do công tác thẩm định chưa tốt. Hiện nay, đa số công trình được giao cho các địa phương – chủ đầu tư công trình thẩm định. Vì vậy, cần siết chặt việc thẩm định và thành lập các bộ phận kỹ thuật chuyên thẩm định công trình, đồng thời tăng cường chất lượng cán bộ thẩm định”.
Ông Trần Văn Tần, cựu chiến binh tỉnh Hà Nam thì cho rằng trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã tập trung vào đúng các câu hỏi và thẳng thắn đưa ra được các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên như vấn đề thể chế, chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát còn chưa hiệu quả, năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế…
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoang. |
Cơ bản hài lòng
Phóng viên đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu xung quanh phiên chất vấn, cũng như Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 2 và kỳ họp 3.
Về Báo cáo Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP Hải Phòng) cho biết, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp quyết với một mong muốn làm sao khắc phục những tồn tại để phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội.
Tuy nhiên, do kinh tế thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung, vì vậy, một số mặt đặt ra chưa được theo ý muốn, tuy nhiên các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã nêu lên phương án, lộ trình tiếp tục khẩn trương thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội
Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho biết ông cơ bản hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
“Chúng tôi thấy Bộ trưởng đã cố gắng trả lời các câu hỏi của đại biểu nhưng đây là vấn đề rất rộng và liên quan đến nhiều ngành, ví dụ như vấn đề thực phẩm hoặc hàng tồn kho, một mình Bộ trưởng Bộ Công Thương không thể giải quyết được; Bộ trưởng cũng chỉ trả lời trong một góc độ quản lý của bộ mình, do vậy câu trả lời chưa toát lên được sự quyết liệt, còn nếu trả lời riêng góc độ của ngành tôi cho rằng Bộ trưởng Hoàng đã trả lời rõ ràng, theo tôi như thế là được”, đại biểu Trần Ngọc Vinh bày tỏ.
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) chưa hài lòng về trả lời nhận được từ Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về chất vấn mức lương của lãnh đạo Petrolimex trong tình hình kinh doanh thua lỗ. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cũng chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về vấn đề xây dựng thương hiệu gạo ra thị trường thế giới
“Tôi chưa thấy rõ trách nhiệm của bộ Công Thương đối với vấn đề làm thế nào để tạo ra thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nói chung và gạo nói riêng ra thị trường thế giới”.
Theo đại biểu này, ngành Nông nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực trong thay đổi, tạo ra cây con giống có chất lượng và người nông dân cũng đã chịu khó đổi mới phương thức sản xuất và con giống nâng cao năng suất.
Vấn đề còn lại làm thế nào giới thiệu hạt gạo ra thị trường thế giới, quảng bá ra sao, bà cho rằng đây là trách nhiệm quan trọng của ngành Công Thương.
Đại biểu Minh Thắm (đoàn Lâm Đồng) cho biết phần trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cơ bản đã đi vào vấn đề chính mà các đại biểu đặt ra, tuy nhiên, đại biểu này chờ đợi các giải pháp mạnh mẽ hơn của Bộ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng, giải phóng hàng tồn kho cho thị trường xây dựng.