Siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như chuẩn bị hầu tòa. |
Vụ án “Huỳnh Thị Huyền Như” được xếp là một trong mười “đại án” tham nhũng vì mức độ nghiêm trọng về số tiền chiếm đoạt lên đến hơn 4.900 tỷ đồng, hành vi phạm tội được thực hiện nhiều lần, trong thời gian dài tại Ngân hàng Công thương Việt Nam, một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, trong “đại án” tham nhũng này, Huyền Như đã không bị truy tố về một tội danh tham nhũng nào trong chương các tội phạm về tham nhũng.
Công luận vừa qua có đặt vấn đề liệu Huyền Như có mắc thêm tội tham ô?
Quan điểm của cơ quan tố tụng
Trong suốt thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, với chức danh Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ (Vietinbank chi nhánh TP HCM) Huyền Như đã chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân, hiện chưa thu hồi được 3.900 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 3.400 tỷ đồng được thực hiện tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam, bằng thủ đoạn chủ yếu là dùng chứng từ giả rút tiền, chuyển tiền, sử dụng trái phép tiền trên tài khoản tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Kết luận điều tra và Cáo trạng truy tố Huyền Như xác định Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của một số ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân toàn bộ số tiền trên.
Với kết luận này, các ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân gửi tiền tại Ngân hàng Công thương sẽ phải “đi tìm” Huyền Như để đòi tiền. Ngân hàng Công thương không chịu trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng gửi tiền.
Khác với Cáo trạng, trước đó, trong hai lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của Ngân hàng Công thương Việt Nam đối với hơn 1.400 tỷ đồng tiền gửi của Công ty CP chứng khoán Phương Đông (ORS), Công ty An Lộc, Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Á Châu.
Ngân hàng Công thương là đơn vị bị hại, bị Huyền Như chiếm đoạt số tiền này. Trên cơ sở xác định Ngân hàng Công thương là đơn vị bị hại, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát tại thời điểm tiền bị chiếm đoạt để xác định Huyền Như có phạm tội tham ô không.
Theo Cơ quan điều tra, Huyền Như không phạm tội tham ô vì: Huyền Như không được Ngân hàng Công thương giao hoặc ủy quyền quản lý tiền, tài sản của Ngân hàng mà chỉ được giao nhiệm vụ kiểm soát, xét duyệt các giao dịch chuyển tiền của khách hàng.
Đồng thời, Cơ quan điều tra vẫn khẳng định Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm với các khoản tiền gửi như Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu khi yêu cầu điều tra bổ sung. Trách nhiệm là của cá nhân Huyền Như.
Có bỏ lọt tội?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trách nhiệm đối với tài sản bị chiếm đoạt trong "đại án" này, ông Nguyễn Am Hiểu, nguyên Vụ Phó Vụ Pháp luật Kinh tế dân sự Bộ Tư Pháp cho biết: Đây là một vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều giao dịch, vì vậy cần phải xem xét đánh giá từng giao dịch để khẳng định được ai là người phải chịu trách nhiệm cụ thể.
Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, trách nhiệm của ngân hàng là phải quản lý tiền và thực hiện các giao dịch của khách hàng đúng quy định pháp luật.
Các ngân hàng có các quy định, quy trình chặt chẽ để kiểm soát, thực hiện các giao dịch đối với tiền gửi của khách hàng, đây chính là căn cứ xác định trách nhiệm quản lý tiền gửi.
Hầu như ở tất cả các ngân hàng hiện nay khách hàng đều có thể gửi tiền ở một nơi và rút tiền, giao dịch tại tất cả các địa điểm của ngân hàng đó trên toàn quốc, vì vậy không thể giao việc quản lý tiền của khách hàng cho một người cụ thể nào.
Chính vì vậy, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thu, chi, chuyển tiền của khách hàng là người được ngân hàng ủy thác trách nhiệm quản lý tiền của khách hàng.
Nếu những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thu, chi, chuyển tiền của khách hàng không thực hiện đúng chức trách của họ mà gây thất thoát tài sản thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm về sự thất thoát tài sản.
Ngân hàng có quyền yêu cầu những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thu, chi, chuyển tiền của khách hàng không thực hiện đúng chức trách của họ phải bồi thường cho ngân hàng. Những vấn đề này đều được quy định trong pháp luật Việt Nam hiện nay và cũng là thông lệ quốc tế.
Còn theo ông Trần Minh Hải, Chuyên gia pháp luật: Theo quy định của Bộ luật hình sự, tham ô là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
Quản lý tài sản chính là việc trông coi, thực hiện việc dịch chuyển tài sản đó đúng nguyên tắc đã đề ra.
Thủ kho có trách nhiệm trông coi hàng hóa trong kho, cho xuất, nhập kho đúng nguyên tắc, có nghĩa là thủ kho có trách nhiệm quản lý hàng hóa trong kho, nếu thủ kho lấy hàng trong kho của mình là tham ô.
Huyền Như là Quyền Giám đốc phòng giao dịch, là người có chức vụ, quyền hạn. Huyền Như có trách nhiệm kiểm soát, xét duyệt các chứng từ chuyển tiền, rút tiền, giao dịch khác trên tài khoản của khách hàng, có nghĩa là có trách nhiệm quản lý tiền của khách hàng. Khi thực hiện việc này, Huyền Như có trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo các chứng từ chính xác, hợp lệ.
Huyền Như lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để lập chứng từ giả chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng là hành vi tham ô tài sản của Ngân hàng Công thương. Ngân hàng Công thương phải chịu trách nhiệm với khách hàng gửi tiền.
"Nếu người có trách nhiệm xét duyệt, thực hiện các lệnh thu, chi, chuyển tiền với tiền gửi của khách mà không phải là người quản lý tiền thì không có ai khác có thể là người có trách nhiệm quản lý tiền gửi của khách. Không lẽ tại Ngân hàng Công thương không ai có trách nhiệm quản lý tiền gửi của khách? Nếu Huyền Như không phải người quản lý tiền thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải làm rõ người có trách nhiệm quản lý tiền tại Ngân hàng Công thương.
Việc không buộc trách nhiệm bồi thường của Ngân hàng Công thương là không phù hợp pháp luật, gây mất lòng tin cho các khách hàng gửi tiền khác", ông Hải cho hay.
Việc xác định tội danh của Huyền Như trong hành vi trên sẽ ảnh hưởng đến việc quyết định các vấn đề khác của vụ án, như các đồng phạm khác, trách nhiệm dân sự …
Nếu xác định tội danh của Huyền Như không chính xác, sẽ làm cho việc xử lý toàn bộ vụ án không chính xác, dẫn đến việc xác định sai trách nhiệm dân sự, gây oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Trong rất nhiều vụ án tham nhũng điển hình xảy ra tại Vinalines, Công ty tài chính 2 Ngân hàng Nông nghiệp, Công ty Vifon … vừa qua, hành vi tham ô của các cá nhân có liên quan đã được các cơ quan pháp luật xác định chính xác trên cơ sở các nguyên tắc trên, không nhất thiết phải dựa vào văn bản giao, ủy quyền quản lý tài sản cụ thể của các doanh nghiệp này.
Theo Luật phòng chống tham nhũng, theo định nghĩa của Tổ chức minh bạch quốc tế, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để trục lợi cho cá nhân mình.
Trong các tội danh thuộc nhóm tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự, tham ô là hành vi được xếp đầu tiên, nghiêm trọng nhất, chịu trách nhiệm hình sự nặng nhất, với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Dư luận đang đặt câu hỏi tại sao Huyền Như thoát tội tham ô, liệu “đại án” tham nhũng có bỏ qua hành vi tham nhũng nặng nhất.
Theo Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự (Bình luận chuyên sâu) của tác giả Đinh Văn Quế, Nguyên Chánh Toà Hình sự, Toà án nhân dân tối cao (Nhà Xuất bản TP. HCM năm 2002) thì chủ thể của tội tham ô là người có chức vụ, quyền hạn phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Người có trách nhiệm quản lý tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản (như thủ quỹ, thủ kho, kế toán, người được giao nhiệm vụ vận chuyển tái sản) hoặc là người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng lại có trách hiệm trong việc quyết định việc thu chi, xuất nhập, mua bán tài sản... |
> Chưa rõ Huỳnh Thị Huyền Như 'đốt' 5.000 tỷ đồng thế nào
> Siêu lừa 4.000 tỷ đồng chuẩn bị hầu tòa
> Lừa đảo để trả tiền vay nặng lãi