Đặc sản nấm mối ở miền Tây

Đặc sản nấm mối ở miền Tây
Nấm mối chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào đầu mùa mưa ở miền Tây. Do khan hiếm nên loài này dù có giá đến hơn nửa triệu đồng/kg nhưng nhiều người vẫn tranh nhau mua.
Đặc sản nấm mối ở miền Tây ảnh 1

Là loài mọc tự nhiên, nấm mối có tên khoa học là Termitomyces albuminosus, xuất hiện vào đầu mùa mưa và chỉ kéo dài khoảng 1-2 tháng.  Nấm này thường chỉ mọc từ các gò mối cao ở vườn cây ăn trái lâu năm. Theo các bà nội trợ miệt vườn, nấm mối không chỉ "ngon hơn thịt gà" mà còn rất dễ chế biến, đặc biệt là làm  món ăn nào cũng ngon. Chính vì vậy mà vào mua, người sành ăn tranh thủ đặt hàng, giành mua cho bằng được, dù giá cao.

Đặc sản nấm mối ở miền Tây ảnh 2

Ở miền Tây, các "địa chỉ" thường xuất hiện nấm mối nhiều là Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ và Tiền Giang.  Năm nay, theo nhiều nông dân, giá tại nhà vườn ngay đầu mùa đã rất cao, từ  400.000 đến 500.000 đồng/kg, còn bán tại các siêu thị hoặc đưa lên TP.HCM từ 600.000  đến gần 1 triệu đồng/kg, tăng gần gấp rưỡi so với năm ngoái nhưng số lượng không đủ cung cấp cho những khách sành ăn.

Đặc sản nấm mối ở miền Tây ảnh 3

Chu kỳ nấm mối xuất hiện rất ngắn. Nấm mọc từ giữa đêm, đến khoảng 5 - 6h sáng thì bắt đầu mọc rộ, và đến 9 -10h sẽ nở bung, khoảng 11 h 12h là tàn lụi, nên việc hái nấm được thực hiện từ sáng sớm. Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm, việc tìm nấm sẽ dễ dàng hơn nếu đi vào ban đêm. Ban đêm khi rọi đèn, nấm mối có khả năng bắt sáng và tự động phát quang. Ngoài ra, không khí ban đêm thường đặc hơn nên dễ dàng nhận biết được hương thơm của nấm.

Đặc sản nấm mối ở miền Tây ảnh 4

Theo các nhà vườn miền Tây, năm nay nấm rất khan hiếm do nắng nóng và mưa ít, không thuận lợi cho nấm phát triển. Chị Đặng Thị Ngọc, ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành – Hậu Giang, cho biết: “Gia đình có 1ha cây ăn trái, năm nào cũng vậy, cứ đầu mùa mưa là chị lại có một khoản thu nhập kha khá từ nấm mối hái trong vườn nhà. Song năm nay lượng nấm giảm mạnh, từ đầu mùa mưa đến giờ chỉ hái được 3 kg, chưa bằng 1/3 so với các năm trước nên chị không bán mà để giành cho cả nhà ăn, dù rất nhiều khách hỏi mua". Cũng theo chị Ngọc, ngoài thời tiết không thuận lợi, việc sử dụng nhiều  thuốc bảo vệ thực vật cũng ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của nấm.

Đặc sản nấm mối ở miền Tây ảnh 5

Để nấm mối tiếp tục mọc những năm sau vào đầu mùa mưa, người thu hoạch nấm phải biết cách, như dùng que tre vót mỏng để rê tìm hái nấm lớn trước, dưỡng lại nấm con, và phải nhổ từ từ để lấy hết chân nấm thì giá bán mới cao; không được dùng dao sắt thu hoạch hay dẫm chân lên nơi có nấm, hoặc đào xới làm sụt lún nơi gò mối...

Đặc sản nấm mối ở miền Tây ảnh 6

Nấm mối hiện chưa được trồng nhân tạo mà chỉ dựa vào nguồn tự nhiên, nên số lượng rất hạn chế.

Đặc sản nấm mối ở miền Tây ảnh 7

Hương vị nấm mối rất đặc trưng mà các loại nấm khác không có được, lại dễ chế biến. Người miền Tây thường có các món đặc sản  từ nấm mối như bánh xèo nấm mối, nấm mối cuốn lá lốt, nấm mối kho nước cốt dừa...

Đặc sản nấm mối ở miền Tây ảnh 8

Bên cạnh món ngon, nấm mối còn là nguồn dược liệu giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống lão hoá, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch... Cũng do vậy mà giá loài này luôn cao gấp nhiều lần so với các loài nấm khác nhưng vẫn khan hàng.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.