Đặc sản đua nhau về phố

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều loại đặc sản vùng miền đang được chở về TPHCM phục vụ người dân dịp Tết. Năm nay, dự báo sức mua không cao, dịch bệnh còn kéo dài nên giới kinh doanh chọn lọc hàng chất lượng, tiếp thị đa kênh để bán.
Đặc sản đua nhau về phố ảnh 1

Bưởi Diễn miền Bắc bày bán trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) phục vụ người dân TPHCM mua chơi Tết

Hoa trái “độc” lạ

“Bưởi trăm trái” được nhà vườn đưa từ các tỉnh phía Bắc vượt cả ngàn cây số về thành phố chào bán dịp Tết Nguyên đán. Gần cả tuần nay, trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), những cây bưởi lúc lỉu trái vàng ươm, được trang trí thêm nơ đỏ nhìn rất bắt mắt, chờ đợi người mua. Giá mỗi chậu bưởi từ 6 đến 100 triệu đồng tùy theo số trái, dáng cây...

Anh Lê Hoàng Phương, chủ vườn kiểng Hoàng Phương cho biết: “Dù bưởi mới về được ít ngày nhưng đã có khá nhiều khách đến xem cây, đặt hàng và gửi nhà vườn chăm sóc, gần Tết mới chở về nhà chơi Xuân. Vài hôm nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục vận chuyển hai đợt bưởi Diễn vào TPHCM”. Theo anh Phương, thời gian này, người mua chủ yếu là khách quen. Họ đặt bưởi Diễn chơi Tết khá sớm, đặt cọc và nhờ vườn chăm sóc. Từ giữa tháng Chạp, nhà vườn sẽ bắt đầu đi giao.

Chị Âu Thanh Mỹ, chủ cửa hàng trái cây tạo hình ở quận 3 cho biết, đã nhận được đơn đặt hàng trái cây tạo hình của khá nhiều khách để bầy mâm ngũ quả. Nhiều nhà vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng giới thiệu các sản phẩm trái cây tạo hình độc đáo. “Ngoài sản phẩm truyền thống như dừa xiêm xanh tạo hình hồ lô với dòng chữ “Tài, Phúc, Lộc, Thọ” có trọng lượng hơn 1kg, giá gần 300.000 đồng/trái thì năm nay chúng tôi còn cung cấp xoài khắc chữ “Tài, Lộc”, bưởi thỏi vàng khắc chữ giá hơn 100.000 đồng/trái. Đặc biệt, nhà vườn còn có thêm sản phẩm mới phục vụ khách chưng Tết là cây đu đủ Thái Lan kiểng dáng bon sai trái xum xuê, được khắc chữ “Phát Tài - Phát Lộc”; giá bán 8 triệu đồng/cặp; tháp thanh long chi chít quả có giá khoảng 15 triệu đồng/cặp”, chị Mỹ cho hay.

Về hoa Tết, một số cửa hàng hoa đã chào hàng nhiều giống “độc” lạ (được trồng trong nước) như Dạ lan hương giống Hà Lan, hoa Cala Lily giống Nam Phi, lan Ý… Ngoài ra còn có nhiều giống nhập khẩu như đào đông nhập từ Hà Lan với màu đỏ thắm, mai Mỹ có màu vàng ruộm, mai tuyết xuất xứ Nhật Bản, đào Nhật…

Theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng hoa trái năm nay giảm khoảng 20% so với Tết 2021. Đơn vị nào cũng thận trọng nhập về vì lo ngại ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như người dân thắt chặt chi tiêu. Ngoài bán tại chỗ, nhà vườn còn chào hàng trên mạng, bán hàng qua mạng trực tuyến để thu hút khách mua nhiều hơn. Nhờ đó, sản phẩm chơi Tết không chỉ được tiêu thụ tại TPHCM mà còn có khách hàng ở Bình Dương, Vũng Tàu, Long An đặt hàng.

Nhấp chuột mua đặc sản

Ngay từ đầu tháng 12/2021, anh Hồng Sơn (TPHCM) đã kết nối với những chủ hàng ở miền Tây để đặt hàng Tết. Là người nhiều kinh nghiệm, anh Sơn không đặt tất cả các mặt hàng ở một địa phương mà chỉ chọn những sản phẩm tiêu biểu. Như đặt lạp xưởng, mật ong từ Tiền Giang; mua cá đù, mắm tép từ Bến Tre; tôm, mực, cua gạch từ Cà Mau; bánh tét Trà Vinh; nem chua Sa Đéc…Đây là những đặc sản có tiếng và rất nhiều người ưa thích nên anh phải đặt hàng để lấy được hàng chính gốc với giá rẻ.

Theo anh Sơn, có thể năm nay số người về quê ăn Tết sẽ ít hơn mọi năm nên những đặc sản vùng miền sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. “Tết năm 2021, tôi đã bán hơn 1 tấn hàng đặc sản nên năm nay, tôi đặt lượng hàng gấp đôi. Tuy nhiên, tới thời điểm này, tôi đã có mấy chục người đặt mua để làm quà tặng hay dành cho dịp Tết nên chắc tuần sau, tôi sẽ liên lạc với các chủ hàng để đặt thêm”, anh cho biết.

Chị Bích Tuyền, một người chuyên bán đặc sản Đà Lạt tại TPHCM cũng đã sẵn sàng nhiều loại hàng cho mùa Tết. Vốn là người chuyên bán cà phê của vùng Cầu Đất, lợi thế có sẵn là người nhà đi mua hàng trực tiếp, chị đã tìm được nhiều đặc sản như hồng sấy, nước cốt dâu, khoai lang dẻo, kẹo atisô, trà ôlong, cà phê Cầu Đất… “Những mặt hàng trên Sài Gòn bán cũng nhiều, nhưng nhiều năm bán hàng online, tôi đã tìm được những cơ sở chế biến ngon nhất để đặt hàng. Vì thế dù giá bán của tôi có cao hơn so với mặt bằng chung nhưng nhiều người vẫn đặt mua vì chất lượng” - chị Tuyền khẳng định.

Tại nhiều chợ online, đặc sản thuộc hàng độc như thịt trâu gác bếp, gạo nương tím H’Mông, gạo Séng Cù … của vùng Tây Bắc hay hạt dẻ, thịt lợn chua Cao Bằng… thậm chí cả món cá kho của làng Vũ Đại hay cá sông vùng trung du Bắc bộ cũng được bán mua nhộn nhịp. Chị Thanh Mai, chủ trang Bếp Tây Bắc cho rằng, mấy năm gần đây, do các dịch vụ vận chuyển phát triển mạnh nên các món hàng đều được giao nhanh và giá vận chuyển rẻ, tới tận tay người mua còn tươi ngon. “Trước đây, một nồi cá kho làng Vũ Đại loại nhỏ có giá trên 500.000 đồng nhưng nay chúng tôi chỉ bán giá 350.000 đồng. Giá không cao lại có hàng đặc sản ngon nên nhiều người đã đặt mua để thưởng thức trong những ngày Tết”, chủ trang Bếp Tây Bắc chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Lan, thành viên nhóm zalo chợ Phước Bình (TP Thủ Đức) kể, nhóm của chị đã chia nhau ra để đặt mua hàng đặc sản từ các địa phương, mỗi gia đình chỉ góp hơn 1 triệu đồng nhưng giờ trong nhóm đã có tới hơn 30 gia đình có đủ các mặt hàng đặc sản dành cho mùa Tết. Rủ nhau mua chung qua nhóm, mỗi người mua một đặc sản ở mỗi địa phương rồi chia nhau, vừa rẻ vừa có món ngon đặc sản cho mùa Tết này.

Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo, người dân cần chọn nơi uy tín, có thương hiệu khi mua đặc sản, thực phẩm ăn Tết. Hiện, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM đang triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2022. Theo đó, các đoàn kiểm tra của thành phố và quận, huyện sẽ tập trung thanh kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết và lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; bia rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm. Hoạt động kiểm tra sẽ được thực hiện từ nay đến hết ngày 22/3/2022.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.