Đặc biệt nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân

Đặc biệt nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân
TP - Ngày 6-11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Hiến pháp sửa đổi đề cao vai trò con người, quyền con người, quyền công dân...

> Chính phủ họp chuyên đề về Dự thảo Hiến pháp

“Thông qua Hiến pháp sửa đổi là trách nhiệm và là vinh dự của mỗi đại biểu Quốc hội khóa XIII” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu thảo luận về Dự thảo Hiến pháp bổ sung sửa đổi.

Tại tổ quốc hội Hà Tĩnh, Quảng Nam, Hòa Bình và Trà Vinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Dự thảo Hiến pháp năm 1992) nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp là vấn đề rất quan trọng nên phải thực hiện thận trọng, chắc chắn.

“Cốt lõi của Hiến pháp là vấn đề thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân, bộ máy Nhà nước được tổ chức, thực hiện nhiệm vụ như thế nào” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Chủ tịch QH cho biết, từ tháng 1-2013 đến hết tháng 3-2013, nhân dân cả nước sẽ bắt đầu góp ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp. Sau đó, Ủy ban Dự thảo Hiến pháp sẽ tổng hợp ý kiến, gửi lên Trung ương, Bộ Chính trị chắt lọc lại những nội dung liên quan đến những vấn đề cốt lõi để Quốc hội thảo luận.

Từ tháng 5-2013 đến tháng 10-2013 ĐBQH “trách nhiệm từng đại biểu rất nặng nề” để phân tích, lựa chọn hướng đi chính xác và biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi. Đại biểu phải là đại diện cho ý chí của nhân dân, do vậy, phải lắng nghe, thấu hiểu những góp ý của nhân dân về vấn đề này để quyết định biểu quyết.

Quyền lực phải được giám sát

Thảo luận tại tổ, ĐBQH cho rằng cần làm rõ hơn một số chế định liên quan đến việc phân công, kiểm soát giữa các nhánh quyền lực. Đồng thời khẳng định Hiến pháp phải đảm bảo quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) và một số ĐB nhấn mạnh, Hiến pháp cần khẳng định rõ vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc xây dựng chế độ chính trị.

Thống nhất với các quy định về chế định Chủ tịch nước như dự thảo Hiến pháp sửa đổi, ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) và một số ĐB đề nghị làm rõ hơn mối quan hệ chủ tịch nước với các thiết chế quyền lực khác.

Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), cần làm rõ hơn nội hàm Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang; hoàn thiện cơ chế mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Chính phủ, bởi trong Hiến pháp 1992 quan hệ này còn rất mờ nhạt. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cần khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí, thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Góp ý về chế định bầu cử, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, cần thành lập cơ quan bầu cử độc lập, chuyên trách để thực hiện tốt chức năng bầu cử.

Nhằm nâng cao vai trò, vị trí của QH, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) kiến nghị nên quy định QH được thành lập cơ quan lâm thời để điều tra, giám sát trong một số trường hợp nhất định.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm quy định về Tổng Kiểm toán là một chế định độc lập. Theo ĐB Trần Du Lịch, Hiến pháp làn này đã quy định về việc kiểm soát các nhánh quyền lực. “Tuy nhiên, cần quy định rõ cơ chế kiểm soát, trong dự thảo cơ chế kiểm soát chưa rõ” - ông Lịch nói.

Cơ chế bảo vệ hiến pháp

Theo ĐBQH, Hiến pháp cần quy định về một cơ quan độc lập có chức năng bảo vệ Hiến pháp. Theo Phó chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, đã có Hiến pháp thì phải có cơ chế bảo vệ. Không chỉ có một cơ quan mà phải có cơ chế tự thân bảo vệ, kiểm soát quyền lực của các bên, và việc kiểm soát phải dựa vào nhân dân.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cần có cơ quan bảo vệ Hiến pháp độc lập là Hội đồng Hiến pháp. “Các thành viên trong hội đồng này cũng không được kiêm nhiệm, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi như một số cơ quan hiện nay” - bà Khánh kiến nghị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đồng tình với đề xuất cần có cơ quan chống tham nhũng độc lập mà nhiều đại biểu kiến nghị khi thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng (giống như cơ quan thanh tra của Quốc hội).

“Mô hình này tôi rất tâm đắc. Quốc hội cũng cần có thanh tra của mình, để khi cần thiết Quốc hội thanh tra như luật đã định nhưng chúng ta chưa làm. Nếu có thì phải ghi (thiết chế này) vào Hiến pháp” - ông Cường nói.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, cùng với kiểm toán, nên quy định thanh tra cũng là một chế định độc lập như kiểm toán và thống nhất đưa về Quốc hội.

Cần mô hình chính quyền đô thị

Góp ý vấn đề chính quyền địa phương, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) cho rằng không nên có 4 cấp như hiện nay.

Bởi việc tổ chức thành 4 cấp rất cồng kềnh, hiệu quả kém khi áp dụng đối với khu vực đô thị. Nên có cơ chế khác nhau giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, bởi đặc thù hai khu vực này là khác nhau.

Theo ĐB Trần Du Lịch, vấn đề chính quyền địa phương chưa rõ. Dự thảo mới chỉ thay mỗi chữ HĐND thành chính quyền địa phương.

Hiến pháp phải xác định chính quyền địa phương là gì, có địa vị như thế nào? Trong điều kiện nhà nước ta là nhà nước đơn nhất, không phải liên bang thì không thể quy định các địa phương giống như một chính quyền riêng, mà chỉ có thể là một bộ phận thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương thôi.

“Nếu quy định để chính quyền địa phương tự quản, 63 địa phương sẽ biến thành các chính quyền cát cứ” - ông Lịch lo ngại. Ngoài ra, theo ông Lịch, cần quy định về mô hình chính quyền đô thị cho phù hợp tuy nhiên điều này chưa thấy nói gì tại dự thảo.

“Mô hình nhà nước ta là đơn nhất, nên không thể có chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Điều này sai về mặt nguyên lý” - ĐB Nguyễn Đình Quyền nói.

Tôn trọng quyền công dân

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Hiến pháp là đạo luật gốc tiêu biểu, kết tinh ý nguyện nhân dân, và phải như vậy mới có hiệu lực, tạo động lực phát triển xã hội.

Do vậy, việc sửa đổi phải bám vào cương lĩnh, đảm bảo đổi mới đồng bộ cả kinh tế-chính trị, tạo nền tảng pháp lý cho giai đoạn mới.

Ví dụ, khái niệm Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân có làm rõ hơn không? Theo ĐB Nghĩa, lần này Hiến pháp đề cao vai trò con người, quyền con người, quyền công dân, tuy nhiên cần có những quy định thật cụ thể. Bên cạnh khẳng định quyền công dân, quyền con người cũng phải nhấn mạnh“Mọi hành vi xâm phạm quyền công dân phải bị nghiêm trị”.

Đồng thời, không nên giới hạn quyền con người, quyền công dân. Những quyền này chỉ nên hạn chế trong những trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, hay lợi ích công.

ĐB Đặng Thành Tâm (Đoàn TPHCM) có ý kiến, nên có đột phá trong sửa đổi Hiến pháp lần này. Đối với quy định về quyền công dân cần hết sức cụ thể, rõ ràng, tránh bị lợi dụng làm trái tùy tiện.

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Đình Quyền và một số ĐB đều nhất trí, Hiến pháp cần quy định rõ hơn về quyền sở hữu. Ví dụ quyền tài sản là bất khả xâm phạm, trong đó quyền sử dụng đất cũng là quyền tài sản, là bất khả xâm phạm. Quyền này phải hiến định và pháp luật đất đai phải tuân theo.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quyền con người, quyền công dân được thiết kế, thể hiện ở một chương riêng, với một tinh thần coi trọng các quyền này. Đây cũng là một trong những vấn đề cốt lõi của sửa đổi Hiến pháp lần này.

“Người dân có quyền (quyền công dân và quyền con người) và đi kèm với đó là nghĩa vụ, đồng thời đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng như thế nào là đủ thì các luật sẽ quy định chi tiết vấn đề này” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Một số ĐBQH đề nghị, thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp là rất quan trọng, có thể kéo dài thêm để mọi tầng lớp nhân dân có thể đóng góp ý kiến.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...