Chị Thanh Tâm thân mến!
Ngày ấy, ông bà nội ngoại đều ở xa nên chúng tôi vất vả vô cùng. Chiều chiều đi làm về, tôi vội vàng đến trường đón con lớn, vợ trên đường từ cơ quan về cũng tất tả chợ búa rồi qua trường mầm non đón con nhỏ. Về đến nhà, trong thời gian vợ nấu cơm, tôi tắm rửa cho lũ trẻ, giặt giũ, phơi phóng. Nhà chật, thành ra tất cả mọi sinh hoạt đều diễn ra trong một mặt phẳng. Mỗi bữa nấu nướng, mùi thức ăn bay khắp nhà, cảm tưởng như, quần áo, chăn màn, mọi thứ đồ dùng đều bị ám... mùi bếp. Ngày ấy vợ tôi luôn khao khát: Sau này cuộc sống khấm khá, nhất định anh phải xây cho em một cái bếp thật đầy đủ đồ nghề nấu nướng. Em chỉ ước cả cuộc đời này được nấu nướng và nhìn bố con anh ăn.
Thú thật, mỗi lần nhìn vợ toát mồ hôi nấu nấu nướng nướng, quay ra là giường ngủ, quay vào là khu vệ sinh, tôi thương cô ấy đến chảy nước mắt. Và tôi quyết tâm phải xoay xở để có thể bù đắp cho cô ấy. Cuối cùng, tôi đã bỏ cơ quan để ra ngoài làm ăn. Những năm đầu thực hiện cơ chế thị trường, tôi là người nhanh nhạy nên biết lắm bắt thời cơ. Tôi cùng với mấy người bạn hùn vốn mở công ty. Sau này khi đủ lực, tôi tách ra làm riêng, chuyên lĩnh vực xuất nhập khẩu nguyên liệu phục vụ ngành da giày. Nỗ lực hết mình, đến năm 2000 tôi đã hoàn thành tâm nguyện của vợ tôi. Tôi xây cho cô ấy một ngôi nhà riêng 3 tầng, mặt sàn 105 mét vuông với 5 phòng ở, phòng khách và một phòng bếp rộng 30 mét vuông. Sau khi về nhà mới, vợ tôi xin nghỉ hưu non, ở nhà chuyên nội trợ chăm sóc bố con tôi.
Thời gian đầu về nhà mới, cô ấy say mê chế biến các món ăn từ cổ truyền, đồng nội cho đến Âu, Á cho bố con tôi. Mỗi bữa cơm là một cung bậc xúc cảm của hạnh phúc gia đình. Phải nói, vợ tôi là một người có thiên bẩm về nấu nướng. Mỗi lần đi ăn nhà hàng hay dự tiệc, chỉ cần ăn món mới một lần là về nhà, cô ấy có thể chế biến y chang mà chẳng cần công thức. Chiều cuối tuần, tôi hay rủ mấy người bạn thân đến nhà để thưởng thức tài nấu ăn của vợ.
Càng ngày công ty của tôi càng phát đạt, đồng nghĩa với việc tôi phải đi công tác dài ngày nhiều hơn, lịch tiếp đối tác dày đặc hơn. Vì thế, một tuần đôi lần, thậm chí một tháng chỉ dăm, bảy lần tôi về ăn cơm với vợ. Lúc đầu vợ tôi hay phàn nàn nhưng dần dà cô ấy chẳng than vãn, cũng chẳng trách cứ việc bố con tôi thường xuyên để cô ấy chờ cơm. Hai đứa con tôi, một ở nước ngoài, một đang học đại học.
Rồi đùng một cái tôi nhận được đơn ly hôn của vợ. Cô ấy bảo, cô ấy không còn cảm thấy hạnh phúc trong ngôi nhà có phòng bếp đầy đủ tiện nghi, dư thừa hiện đại. Cô ấy xin đi làm thêm cho một trường mầm non tư thục. Lúc đầu, tôi hơi bất ngờ, nhưng khi cô ấy nói chuyện nghiêm túc thì tôi thực sự ngỡ ngàng. Do không kiềm chế được lòng mình, nghĩ rằng tôi đã cho cô ấy tất cả những gì mà bao người phụ nữ nằm mơ cả đời không có nên tôi đã nặng lời với cô ấy. Tôi xé lá đơn trước mặt cô ấy và mắng vợ được voi đòi tiên, ích kỷ, nhỏ nhen, quẫn trí...
Tưởng vậy là thôi. Nào ngờ, vợ tôi đã đơn phương gửi đơn ra tòa. Thú thật, tôi rất yêu cô ấy nhưng tôi không thể hiểu nổi, cô ấy làm thế để làm gì? Được gì? Chả lẽ, tôi cố gắng kiếm tiền vì vợ vì con là sai sao? Tôi đã cho cô ấy tất cả, tình yêu và vật chất. Vậy mà có lẽ nào, người đàn bà đã bước qua tuổi 50 lại muốn từ bỏ gia đình?
Thành Trung
Anh Trung thân mến!
Điều đầu tiên Thanh Tâm muốn nhắc nhở anh, anh có tự đặt cho mình câu hỏi: Vì sao bao năm nghèo khó vất vả, vợ chồng đồng cam cộng khổ mà giờ đến ngày “thái lai”, vợ anh lại quyết định ly hôn? Trong khi chị ấy là mẫu người phụ nữ của gia đình, hết lòng vì chồng vì con, đòi bỏ chồng không phải vì người thứ ba?
Hẳn chị ấy đã vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện khi “giấc mơ” được làm “nghệ sĩ trong phòng bếp gia đình” của mình thành hiện thực. Một người phụ nữ sẵn sàng từ bỏ công việc gắn bó bao năm để ở nhà nội trợ, chăm sóc chồng con hẳn phải là người phụ nữ nhân hậu, yêu thương và hy sinh cho chồng con lắm lắm! Không say mê bếp núc, không yêu thương chồng con vô bờ thì hẳn, người phụ nữ “có điều kiện” như chị ấy sẽ thay vì cung cúc phục vụ chồng con sẽ đi spa, shopping, nhảy đầm, hoặc làm bất kỳ điều gì mình thích.
Những người phụ nữ biết sống vì người khác, tận tâm sẽ luôn nhẫn nhịn, âm thầm hy sinh, lặng lẽ chịu đựng (khi gặp điều không vừa ý). Và dần dà, nỗi tích tụ nhỏ thành lớn, lớn thành bão, bão thành cuồng phong. Rút cục, khi họ cảm thấy chán nản, buông xuôi, mất lòng tin, mệt mỏi vì người thân yêu… sẽ dễ dẫn đến tiêu cực và tuyệt vọng. Vợ anh đã và đang là hậu quả của trạng thái tâm lý này. Bản thân chị ấy chắc cũng phải dằn vặt, đau khổ lắm khi đưa ra quyết định khó khăn này.
Đã khi nào anh kiểm điểm bản thân, để nhận ra rằng anh đã “bỏ bê” chị ấy với phòng bếp lạnh lẽo quá lâu. Một tuần đôi lần, thậm chí một tháng dăm, ba lần anh mới dành cho chị ấy cơ hội được ăn cơm cùng chồng, con, đấy là chưa kể những khi anh thường xuyên vắng nhà vì những chuyến công tác xa. Trong khi con cái, một đang ở nước ngoài, một đang học đại học. Thử hỏi, những lúc anh đi vắng, con đi học tối ngày, chị ấy ra vào căn nhà 3 tầng với mặt sàn những 105 mét vuông có khác nào “đảo hoang”? Chị ấy nấu nướng để làm gì? Nấu cho ai?
Có câu này, “bà nội trợ cũng là nghệ sĩ trong chính nhà bếp của mình”. Vợ anh là một “nghệ sĩ” tài hoa. Người “nghệ sĩ” tài hoa bị thất sủng, liệu chị ấy có còn tha thiết gia đình? Anh hãy nghiêm túc nhìn lại mình, đặt vị trí mình vào vị trí của vợ để hiểu chị ấy hơn. Nhất định, khi anh hiểu được nỗi lòng chị ấy, anh sẽ biết mình phải làm gì để níu giữ hạnh phúc? Thanh Tâm tin, chị ấy sẽ vui, khi bếp lửa lại hồng.
Thanh Tâm