Đà Nẵng - Phú Yên thoát siêu bão Haiyan

Đà Nẵng - Phú Yên thoát siêu bão Haiyan
TPO – Di chuyển dọc ven biển hướng ra phía Bắc, người dân Đà Nẵng - Phú Yên thở phào thoát siêu bão Haiyan.

> TRỰC TIẾP: Toàn cảnh siêu bão Haiyan tấn công, 4 người chết

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với cơ quan chức năng tại Đà Nẵng chống bão
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, trao đổi với cơ quan chức năng tại Đà Nẵng chống bão.

8 giờ sáng nay (10/11), tại Sở chỉ huy tiền phương đối phó bão số 14, Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp cập nhật diễn biến tình hình bão số 14.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhận định, với diễn biến, hướng di chuyển của bão số 14 hiện nay, các tỉnh từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Phú Yên đã “thoát nạn”, ra khỏi diện bão số 14 có nguy cơ đổ bộ.

Báo cáo Ban chỉ huy tiền phương đối phó bão số 14 tại Đà Nẵng từ đêm đến sáng nay đã có gió giật cấp 6, mưa theo từng đợt, 6.988 hộ/24.835 người di dời.

Tại Cù Lao Chàm, gió cấp 9, hội An cấp 6, các khu vực khác cấp 3 - 4, nhiều nơi mưa to. 49.052/165.988 người di dời.

Tại Quảng Ngãi, hiện Dung Quất có gió cấp 6 - 7 - 8. Đặc biệt tại Lý Sơn có gió mạnh cấp 8 - 9. 38.253/127201 người di dời.

Tại Bình Định, tối qua có gió mạnh, sáng nay gió đã giảm hiện tại chỉ có gió nhẹ, không mưa Tại Hà Tĩnh có gió cấp 5 - 6, mưa lác đác từng cơn nhỏ. Các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình gió giật cấp 5-6.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho hay, diễn biến cơn bão khá phức tạp, bất thường. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị ứng phó sẵn sàng, chủ động tạo bài học kinh nghiệm cao.

Trước bão, Đà Nẵng không xảy ra những tai nạn, thương vong đáng tiếc trong lúc chằng chống nhà cửa. Các công trình cao tầng, cần cẩu tháp được đảm bảo an toàn; phương án di dời dân được triển khai quyết liệt.

Dù bão có xu hướng di chuyển ra phía Bắc, tuy nhiên thành phố tập trung lực lượng ứng trực, kịp thời theo dõi, cập nhật tình hình, đề phòng mọi tình huống bão có thể xảy ra.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thành lập sở chỉ huy tiền phương số 1 tại Đà Nẵng trên tinh thần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước, sở chỉ huy đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương, đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ chủ động đề phòng.

Công tác di dời các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đổ vào Phú Yên đạt trên 600.000 dân vùng cửa sông, cửa biển… Đây được xem là cuộc sơ tán dân lớn nhất trong lịch sử đối phó với bão những năm gần đây.

Phó thủ tướng đánh giá cao các mặt chuẩn bị, chủ động phòng chống bão của cả hệ thống chính trị và người dân. Đồng thời, lưu ý bộ ngành chức năng không được chủ quan trước diễn biến bão, đặc biệt là chủ động phương án phòng chống lũ sau bão trước nguy cơ Haiyan gây mưa lớn, kéo dài và trên diện rộng.

“Hiện tọa độ bão vẫn đang bám sát ven biển miền Trung, cấp gió vẫn còn mạnh cấp 12 - 15, giật cấp 15 - 16, quần lưu bão lớn, diễn biến phức tạp, chưa hình dung nó đến điểm kết thúc thế nào. Đề nghị các cấp ngành, Trung tâm KTTV TƯ và miền trung đóng tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng theo dõi thường xuyên để có các phương án kịp thời”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ngành chức năng đề nghị giữ Sở chỉ huy tiền phương số 1 trước khi bão tan. Phó thủ tướng yêu cầu QK5 phối hợp chặt chẽ Trung tâm Phòng chống Lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên để có các biện pháp tham mưu, xử lý thay cho Ban chỉ đạo tiền phương.

Tập trung theo dõi lũ miền núi, lụt đồng bằng, chỉ đạo các hồ đập đảm bảo an toàn các hồ đập, sau đó xem xét kiến nghị chính phủ các hồ đập nguy hiểm, mất an toàn trong mùa mưa bão.

Theo Viết
MỚI - NÓNG