Đà Nẵng nỗ lực xây dựng thành phố môi trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đà Nẵng đang triển khai nhiều chương trình hành động và các hoạt động, dự án, hướng tới xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố Môi trường. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Phóng viên: Xin ông cho biết, về lĩnh vực môi trường thời gian qua Đà Nẵng đã đạt được những thành quả nổi bật nào? Đà Nẵng đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong quản lý, thực hiện bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế?

Ông Đặng Quang Vinh: Thời gian qua, TP. Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Diện mạo đô thị thành phố thay đổi nhanh chóng, luôn duy trì các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin ở mức tốt. Trong phát triển đô thị nói chung, công tác bảo vệ môi trường và xây dựng mục tiêu “Thành phố Môi trường” nói riêng, TP. Đà Nẵng đạt được những danh hiệu nổi bật.

Đà Nẵng nỗ lực xây dựng thành phố môi trường ảnh 1

Ông Đặng Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng.

Năm 2020, Đà Nẵng là một trong 5 thành phố đạt mức tốt; năm 2021-2022, là địa phương dẫn đầu về công tác bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá và công nhận. Những danh hiệu này chính là nhờ sự nỗ lực, đồng lòng, chung tay của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp cùng chính quyền TP. Đà Nẵng.

Phóng viên: Đặt mục tiêu xây dựng Thành phố Môi trường giai đoạn 2021-2030, xin ông cho biết Đà Nẵng đã và sẽ làm gì để cụ thể hóa mục tiêu này?

Ông Đặng Quang Vinh: Để phát triển thành phố theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến và bảo đảm môi trường chung, thành phố đã có nhiều chủ trương không đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu, từ chối các dự án khi xét thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm.

Tháng 4/2021, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường giai đoạn 2021-2030” nhằm đáp ứng với định hướng đô thị sinh thái theo Nghị quyết 43 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với đề án này, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao là cơ quan chủ trì, đầu mối tổng hợp kế hoạch hằng năm của hơn 30 đơn vị, hơn 90 nhiệm vụ và các đơn vị được bố trí kinh phí để triển khai.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ từng bước kiện toàn hệ thống văn bản pháp luật ở thành phố theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các bộ, ngành công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng kỹ thuật môi trường đang được chú trọng. Đà Nẵng đang hoàn thiện hệ thống thu gom, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đẩy mạnh công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm soát, tuân thủ môi trường và diễn tập ứng phó, phục hồi môi trường; đẩy mạnh công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường; bố trí tương ứng từ ngân sách thành phố, nghiên cứu khoa học; chủ động tạo lập sự hợp tác, tiếp nhận sự hỗ trợ, đa dạng hóa nguồn vốn, nguồn lực kỹ thuật về bảo vệ môi trường...

Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian tới TP. Đà Nẵng sẽ có những cơ chế, chính sách, cũng như đầu tư thế nào cho lĩnh vực môi trường?

Ông Đặng Quang Vinh: Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc tổ chức triển khai với nhiều lĩnh vực quản lý mới như: Quản lý chất thải rắn, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là công tác giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận các mô hình về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, công tác quản lý về đa dạng sinh học, quản lý lưu vực sông liên tỉnh, quản lý môi trường đối với các di sản thiên nhiên...

Bên cạnh đó, các thủ tục đầu tư các dự án về hạ tầng kỹ thuật môi trường có liên quan, nhất là các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết; thiếu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, tái chế, tuần hoàn ở cấp quốc gia…

Do đó, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh và tập trung các giải pháp cụ thể như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến những nội dung mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tới các cấp chính quyền và đơn vị quản lý, người dân và doanh nghiệp để hiểu và thực hiện các quy định của Luật. Thành phố cũng sẽ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền được giao phù hợp với tình hình của địa phương. Cùng với đó, sẽ thực hiện tốt việc giải quyết các thủ tục hành chính về môi trường cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo tính liên tục, đồng bộ, áp dụng công nghệ, dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, thành phố cũng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra trên cơ sở cập nhật, sàng lọc rõ các đối tượng theo quy định mới của Luật để có thể triển khai các hoạt động thanh kiểm tra một cách có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, kịp thời giải quyết các vấn đề môi trường có thể phát sinh trong giai đoạn chuyển tiếp…

Đà Nẵng nỗ lực xây dựng thành phố môi trường ảnh 2

Biển Đà Nẵng sạch đẹp thu hút hàng ngàn du khách đến tắm.

Phóng viên: Trong số các danh hiệu Đà Nẵng đạt được có danh hiệu “Thành phố carbon thấp”. Xin ông cho biết, TP. Đà Nẵng sẽ triển khai các giải pháp giảm phát thải carbon trong thời gian tới như thế nào?

Ông Đặng Quang Vinh: Trong thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường”, ngày 26/6/2024 Quốc Hội ban hành Nghị quyết số 136 cho phép thành phố Đà Nẵng thí điểm cơ chế đặc thù về tín chỉ carbon.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ được chủ động hơn trong thực hiện giao dịch tín chỉ carbon, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan vào thị trường tín chỉ carbon, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, tạo thêm nguồn ngân sách tái đầu tư cho các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu thông qua cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

MỚI - NÓNG