Lý do dừng triển khai vì ứng dụng ULA của Công ty Ulatech hiện nay không nằm trong danh sách các ứng dụng được phép triển khai thí điểm theo kế hoạch được Bộ GTVT ban hành tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016.
Sở GTVT cũng nêu rõ, chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng là chưa thực hiện thí điểm các ứng dụng khoa học hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại Đà Nẵng, cho đến khi có kết quả tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm của Bộ GTVT.
Ứng dụng đặt xe ULA tương tự như Grab. Ảnh: Thanh Trần.
Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, Bộ GTVT và các Bộ liên quan sẽ tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể về quản lý hoạt động ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải khách theo hợp đồng, Sở GTVT Đà Nẵng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện theo quy định. Do đó, trong thời gian Chính phủ chưa ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến loại hình này, Công ty Ulatech phải dừng triển khai ứng dụng ULA để kết nối hoạt động vận tải khách tại thành phố Đà Nẵng.
Trước đó, giữa tháng 10 vừa qua, Công ty CP Giải pháp công nghệ Ulatech (trụ sở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã “trình làng” ứng dụng đặt xe ULA tại TP.Đà Nẵng. Ứng dụng này có chức năng hiển thị lộ trình, tìm xe, báo giá tương tự Grab. Đại diện công ty này cho biết, đã gửi tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN về việc cấp phép thử nghiệm ứng dụng đặt xe ULA. Tiếp đó, ngày 24/10, Sở GTVT nhận được Tờ trình số 01/TT/CP ngày 23/10/2017 của Công ty Ulatech về việc đề nghị Sở GTVT chấp thuận và tạo điều kiện đê thí điếm triến khai ứng dụng KHCN kết nối hoạt động vận tải hành khách tại Đà Nẵng.