Thành phố xây kè, lấp sông để cấp đất cho doanh nghiệp?
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, ngày 17/3/2011, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định 2040 về thu hồi và giao đất cho Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng thuê để đầu tư xây dựng kinh doanh. Tuy nhiên sau một thời gian dài dự án không được triển khai.
Ngày 3/8/2015, UBND TP Đà Nẵng có quyết định phê duyệt tổng mặt bằng điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng. Ngày 3/2/2016, UBND TP tiếp tục ra quyết định quy định giá đất để thu tiền giao quyền sử dụng đất đối với Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng. Theo đó, đơn giá đất bình quân để thu tiền giao quyền sử dụng đất ở (47.867m2) và thuê đất trả tiền một lần cho thời hạn 50 năm đất thương mại dịch vụ (7.072m2) đối với phần diện tích đất khai thác là 54.939m2 là hơn 4,6 triệu đồng/m2. Điều đáng chú ý, với đơn giá trên TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng bờ kè và san nền khu vực của dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng.
Ngày 15/7/2016, UBND TP Đà Nẵng có quyết định 4704 điều chỉnh một số nội dung quyết định 2040. Đồng thời, đến ngày 22/8/2016, UBND TP lại có quyết định số 5724 về quy định giá đất để thu tiền giao và thuê quyền sử dụng đối đất đối với Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng. Theo đó, đơn giá đất bình quân để thu tiền giao quyền sử dụng đất ở và thuê đất trả tiền một lần cho thời hạn 50 năm đất thương mại dịch vụ đối với phần diện tích đất khai thác là 54.939m2 được hạ xuống là hơn 3,5 triệu đồng/m2.
Cũng trong thời gian trên, Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng có công văn gửi cơ quan chức năng thành phố, trong khi chờ UBND TP ra quyết định số tiền thi công kè (cụ thể phần kè và san nền khu vực dự án) để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tránh thời gian chờ đợi quá lâu, công ty đề nghị các sở ngành liên quan cấp trước giấy chứng nhận cho 82 thửa đất tổng diện tích 14.200m2. Ngày 13/9/2016, UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt 1 gồm 82 lô đất ở. Đến tháng 11/2016, công ty tiếp tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt hai gồm 18 lô với diện tích hơn 3.366m2 và đợt 3 đối với 6 phân khu. Đến tháng 1/2017 Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng đã nộp tổng số tiền vào ngân sách nhà nước cho phần diện tích đất ở 171 tỷ đồng và tiếp tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đợt 4 với 28 lô.
Giao đất sai luật
Ngày 5/10/2018, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký quyết định 4494 về việc điều chỉnh Quyết định số 4704 (ngày 15/7/2016) của UBND TP liên quan đến dự án.
Theo đó, UBND thành phố quyết định điều chỉnh với nội dung: Tổng diện tích giao đất, cho thuê đất là hơn 111.627m2 (đã trừ diện tích bãi xe phục vụ công cộng là 5.684m2). Trong đó, giao đất có tiền sử dụng đất ở điều chỉnh từ 47.867m2 thành 48.914m2 (tăng 1.047m2); cho thuê đất trả tiền một lần (50 năm) cho cả thời gian thuê đối với diện tích đất thương mại dịch vụ hơn 7.000m2; đất công viên, cây xanh, thể thao, giao thông, mương kỹ thuật là 45.641m2, sau khi nhà đầu tư thi công xong hạ tầng kỹ thuật, bàn giao lại cho địa phương quản lý; thời gian sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày 27/1/2011 (ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư). Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, phí và lệ phí vào ngân sách theo quy định.
Theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) ngày 18/3/2019, dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng nằm trong số 12 dự án được kiểm tra. Dự án cũng là 1 trong số 2 dự án đầu tư sử dụng đất được giao và cho thuê không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, vi phạm điều 58 Luật đất đai và Nghị định 61 của Chính phủ, không tuân thủ quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.
Lấn sông không gây ảnh hưởng đến dòng chảy?
Theo cảnh báo của một số chuyên gia thủy lợi, việc lấn sông Hàn làm dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong đó có việc ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ cho phía thượng nguồn và thành phố, đồng thời gây sạt lở bờ tây. Trong khi đó, người dân xung quanh lo lắng việc nơi đây sẽ được xây tường cao, cổng ngõ khép kín, người dân khó tiếp cận bờ sông. Nhất là đối với ngư dân lo ngại không còn nơi neo đậu tàu thuyền, khi mà âu thuyền Thọ Quang đang quá tải.
Ngày 16/4, phóng viên liên hệ Sở Xây dựng TP Đà Nẵng để giải đáp các thắc mắc. Tuy nhiên, Văn phòng Sở Xây dựng yêu cầu gửi câu hỏi qua email của Sở và sẽ có phản hồi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ tháng 4/2016, ngay khi dự án được triển khai, người dân TP Đà Nẵng đã có thắc mắc về việc đổ đất lấn sông của dự án Marina Complex gây ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Thời điểm đó, lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: từ thời Pháp thuộc tại khu vực này, Pháp đã cho xây dựng kè đá. Với mục đích đảm bảo an toàn cho khoảng 500 ngàn người dân tại khu vực đô thị Mân Quang, khu dân cư Làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ các công trình kiến trúc, lịch sử, công trình công cộng và cơ sở hạ tầng, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị khảo sát địa hình địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn vào các mùa mưa và lấy các ý kiến của đơn vị liên quan để quy hoạch tuyến đê, kè Mân Quang đoạn nối tiếp đê, kè Bạch Đằng Đông (quận Sơn Trà). UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đê kè này.
“Dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ” - Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định.
Đồng thời, Sở này cũng cho hay: dự án này là không gian mở, quy hoạch các công trình phục vụ công cộng, tuyến đường đi bộ rộng 9m dọc theo sông Hàn, người dân hoàn toàn sử dụng các dịch vụ và tuyến đường này?
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, việc xác định giá và thu tiền sử dụng đất đối với dự án Marina Complex (dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng) cũng có vi phạm. Cụ thể, chưa kịp thời xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích 1.047m2 tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng thu bổ sung tiền sử dụng đất đối với phần diện tích tăng thêm này.