Trao đổi với Tiền Phong chiều 6/10 sau khi kết quả chỉ số ICT Index được công bố, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho hay thành tích này là sự phát huy dựa trên nền tảng vững chắc lâu năm của Đà Nẵng, cộng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ để làm Đà Nẵng trở thành một thành phố tương tác, phục vụ người dân hết mình trong tất cả các lĩnh vực. “Hiện Đà Nẵng có hơn 500 dịch vụ công, các hồ sơ dịch vụ công năm nay tăng vọt so với năm trước. Trong mọi mảng ghép của cuộc sống, hầu như mảng nào người dân cũng có thể tìm thấy ứng dụng CNTT để phản ảnh, góp ý với chính quyền”, ông nói.
Ông Thanh cho biết thêm, Đà Nẵng đã mở rất nhiều ứng dụng cho người dân, như ứng dụng Góp ý Đà Nẵng tiếp nhận tất cả những thắc mắc, bức xúc trong đời sống đô thị, môi trường, chủ trương…mỗi ngày có từ 500 - 700 ý kiến phản ảnh tới ứng dụng này. Không chỉ vậy, mỗi lĩnh vực có một ứng dụng riêng, ăn uống có phần mềm tra cứu nhà hàng đạt chuẩn ATTP qua tin nhắn, zalo; giao thông có phần mềm tìm xe buýt (Danabus)…“Trước đây, người dân luôn mặc định mối quan hệ với cơ quan nhà nước là một chiều, quản trị, trên nói sao dưới nghe vậy. Nhưng hiện nay, khi CNTT được ứng dụng rộng khắp, thì mối quan hệ này đã trở thành tương tác tích cực. Người dân có thể làm thủ tục qua mạng, đánh giá sự hài lòng, phản ánh những hiện tượng xã hội…thường xuyên. Và chính quyền phải hồi đáp cụ thể, công khai bởi họ có thể theo dõi sự vào cuộc của chính quyền”, ông nhìn nhận.
Các chỉ số thành phần của Đà Nẵng như ứng dụng CNTT, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng của xã hội, hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan nhà nước…cũng giành ngôi đầu bảng. Theo ông Thanh, để giữ vững vị trí này, Đà Nẵng cần tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự, tuyển chọn người có tâm huyết để điều hành việc ứng dụng CNTT. Ngoài ra, thành phố phải tạo ra môi trường doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử, thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lĩnh vực CNTT...