Đà Lạt trồng hoa dẫn dụ côn trùng để cứu rau

Đà Lạt trồng hoa dẫn dụ côn trùng để cứu rau
TP - Những luống hoa trồng xen giữa các giàn ươm giống rau hoặc các vườn cà phê có vẻ rất “lạc điệu”, thế nhưng lại có tác dụng tuyệt vời đánh lạc hướng côn trùng và xua đuổi tuyến trùng.

Trang trại Kim Bằng rộng tới 6 ha ở tổ Phước Thành (phường 7, thành phố Đà Lạt) là một trong những đơn vị đi đầu canh tác rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP bằng công nghệ thủy canh. Để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trang trại áp dụng nhiều biện pháp như trồng rau trong nhà kính, dùng bẫy dính hấp thụ côn trùng bằng màu sắc và đặc biệt là trồng xen những luống hoa trong vườn rau.  

Ở khu ươm cây giống, chúng tôi nhìn thấy những luống hoa màu sắc rực rỡ xen giữa các giàn ươm cây. Một kỹ sư giảng giải: trang trại trồng những loại hoa có sức sống tốt, phát triển nhanh, đậm hương, sai hoa như cúc chùm, cúc vạn thọ để thu hút các loài côn trùng dịch hại nhằm bảo vệ vườn ươm cây giống. Bởi hầu hết các loài ruồi, sâu, nhện… bị hút vào những luống hoa có màu sắc sặc sỡ nên những khay ươm cây giống gần đó mới có thể nảy mầm, đâm chồi non tơ.

Tại khu vực sản xuất rau, củ, quả… theo quy trình VietGAP, Global GAP của hàng chục hộ xã viên HTX Xuân Hương (phường 9, Đà Lạt), nhà nông dẫn dụ côn trùng bằng những luống rau thơm xen giữa các vườn xà lách, bắp cải… Ông Lê Hữu Phan nói rau thơm có chứa tinh dầu phát ra mùi thơm đặc trưng khiến côn trùng tìm đến đeo bám. Các luống rau khác nhờ vậy mà tươi xanh mơn mởn dẫu nhà nông không thường xuyên phun xịt thuốc trừ sâu bệnh. Giải pháp sinh học này đã giữ cho sản phẩm rau nhà kính sạch bệnh, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… vừa nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập vừa giúp bảo vệ môi trường.

2 năm qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng đã trồng thí điểm 3 loại  cúc Vạn Thọ, cúc Ấn Độ và lạc dại với mật độ 10 cây/gốc cà phê để xua đuổi tuyến trùng ký sinh trong đất, trong rễ cây cà phê. Kết quả, cúc Vạn Thọ đạt tỷ lệ xua đuổi tuyến trùng cao nhất (trên dưới 69%), cúc Ấn Độ đạt 53% và 57,91%, cây lạc dại 14,83% và 15,7%.

Việc thử nghiệm này được triển khai trên diện tích 2.000m2 tại vùng cà phê tập trung thuộc phường Lộc Nga (thành phố Bảo Lộc), nơi bệnh tuyến trùng ký sinh gây thối rễ, vàng lá cây cà phê với mật độ khá lớn từ 561- 651 con/100g đất và 428 - 452 con/5g rễ. Tuyến trùng chích hút hoặc chui vào trong rễ làm cho rễ cây phình ra tạo thành các bướu rễ khiến cây còi cọc. Những vết chích tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập vào trong cây và vì rễ bị tổn thương nên cây sẽ nhanh khô héo và chết.

MỚI - NÓNG