Ngày 11/3, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết đang lập đề án để thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh này lấy ý kiến của các tổ chức, đoàn thể và người dân TP. Đà Lạt về việc lắp đặt đèn xanh đèn đỏ tại 6 điểm có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông vào giờ cao điểm và những dịp cuối tuần, lễ tết…
Những điểm đầu tiên được đưa vào “tầm ngắm” là ngã ba Trần Phú – Ba Tháng Hai, ngã ba nhà máy nước, ngã tư Bà Triệu- Trần Phú, ngã tư Phan Chu Trinh, ngã năm Đại học, vòng xoay - Ba Tháng Hai.
Riêng với vòng xoay Kim Cúc (trước Đài PTTH Lâm Đồng), do có địa hình dốc phức tạp nên Sở GTVT Lâm Đồng đang nghiên cứu phương án làm hầm chui từ đường Ba Tháng Tư qua đường Hồ Tùng Mậu xuyên qua đường Trần Hưng Đạo.
Cũng theo Sở GTVT, nếu hệ thống đèn xanh đèn đỏ phát huy hiệu quả, sẽ nghiên cứu lắp đặt đại trà tại các nút giao thông trên địa bàn TP. Đà Lạt.
Trước đó, ngày 9/3, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp có văn bản chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu việc lắp đặt đèn xanh đèn đỏ ở một số điểm có mật độ giao thông cao tại TP. Đà Lạt, báo cáo UBND tỉnh trong tháng này.
Chủ tịch tỉnh chỉ đạo việc lắp đèn tín hiệu giao thông phải gắn với xây dựng phát triển đô thị thông minh, đảm bảo đồng bộ hóa và phù hợp với phương án mở rộng, cải tạo các nút giao thông, phân luồng và các giải pháp khác để hạn chế ùn tắc giao thông tại Đà Lạt.
Nhiều chuyên gia các ngành xây dựng và giao thông cũng đồng thuận với chủ trương lắp đèn xanh đèn đỏ.
Trước kia, Đà Lạt được quy hoạch với chức năng thành phố nghỉ dưỡng cao cấp với mật độ dân số thấp (khoảng 90.000 dân), do đó đường phố nhỏ hẹp, uốn lượn quanh co theo các triền đồi cho thơ mộng.
Hiện dân số đã lên đến khoảng 250 ngàn người và mỗi năm đón thêm từ 4-6 triệu lượt du khách. Các phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều khiến nhiều tuyến đường bị quá tải dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Do đó, việc lắp đèn xanh, đèn đỏ để điều tiết giao thông là cần thiết.