Ngày 4/10, Công an TP.Đà Lạt cho biết đang triển khai thí điểm bục chỉ huy điều khiển giao thông tại một số ngã tư, ngã năm thường xảy ra kẹt xe, ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm như ngã tư Bà Triệu – Trần Phú (Phường 4) và vòng xoay Hải Thượng – Ba Tháng Hai (Phường 1). Thời gian thí điểm kéo dài đến cuối tháng 10 này.
Mục đích góp phần nâng cao năng lực chỉ huy, chủ động phòng chống tình trạng ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm tốt hơn. Mặt khác để người dân quen dần với cách dừng, đỗ đúng quy định và nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ
Mỗi ngã tư, ngã năm có 4 chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) và 4 thanh niên xung kích (thuộc Thành đoàn Đà Lạt) tham gia điều tiết. Sau 1 tháng thí điểm sẽ tinh gọn bớt lực lượng điều tiết.
Cũng theo Công an TP.Đà Lạt, nếu thí điểm thành công sẽ nhân rộng mô hình bục chỉ huy điều khiển giao thông tại vòng xoay Kim Cúc, ngã tư Phan Chu Trinh.
Những ngày gần đây, nhờ có sự điều khiển của lực lượng điều tiết, hầu hết xe cộ đều thực hiện đúng hiệu lệnh; gần như không có hiện tượng ùn ứ, kẹt xe. Các chiến sỹ CSGT chỉ phải nhắc nhở những trường hợp lái mô tô lấn tuyến, không nhường đường hoặc dừng xe trên mép vạch trắng quy định.
Nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Trang cho biết khi xây dựng người Pháp quy hoạch xây dựng Đà lạt thành trung tâm nghỉ dưỡng với mật độ xây dựng thấp, quy mô dân số khiêm tốn. Các tuyến đường vì thế cũng được thiết kế khá nhỏ hẹp, uốn lượn theo các triền núi thơ mộng.
Với địa hình đồi núi trập trùng nên đường sá Đà Lạt quanh co, khúc khuỷu, nhiều dốc cao. Nếu đặt tín hiệu đèn xanh đèn đỏ sẽ không thuận tiện cho xe cộ đang đà leo dốc.
Hiện dân số Đà Lạt đã lên đến gần 250 ngàn người và mỗi năm đón xấp xỉ 6 triệu lượt du khách; các phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều khiến nhiều tuyến đường ở Đà Lạt bị quá tải, ùn ứ, kẹt xe vào những giờ cao điểm hoặc các dịp cuối tuần, lễ, tết.