Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 gửi tới Quốc hội. Theo Viện trưởng, trong nhiệm kỳ, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố 375.884 vụ, tăng 4.409 vụ (1,18%). Trong đó, nổi nên là các thế lực thù địch và tổ chức phản động tiếp tục lôi kéo những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, lợi dụng triệt để sơ hở, thiếu sót của cơ quan Nhà nước để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; kích động biểu tình, chống đối, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Cùng với đó, tội phạm về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố mới giảm nhưng cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Trong một số vụ có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; đã khởi tố, điều tra nhiều người giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước.
Báo cáo dẫn chứng một loạt vụ án điển hình như vụ án tại Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG); vụ án Đinh La Thăng, vụ án Trịnh Xuân Thanh, vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc")...
Cũng theo VKS, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội khởi tố mới giảm, tuy nhiên tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu băng nhóm diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ giết người thể hiện tính man rợ, manh động; nhiều vụ xâm phạm tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet tăng, nhiều vụ quy mô đặc biệt lớn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của cơ quan tư pháp; xuất hiện nhiều vụ án đan xen giữa tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.
Về công tác đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, trong kỳ, ngành Kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 1.726 nguồn tin tội phạm về tham nhũng; kiểm sát điều tra 1.910 vụ/4.187 bị can; kiểm sát trong giai đoạn truy tố 1.392 vụ/3.363 bị can, đã giải quyết 1.306 vụ/3.093 bị can, đạt tỷ lệ 93,8%; kiểm sát xét xử 1.145 vụ/2.600 bị cáo.
Đáng lưu ý, theo báo cáo, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế đạt 53,9%, trong đó tỷ lệ thu hồi năm sau tăng so với năm trước. Thông qua kiểm sát việc giải quyết các vụ án tham nhũng, VKSND chú trọng làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm tham nhũng đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục.
VKSND Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND Tối cao kiên quyết điều tra, đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhiều vụ án về kinh tế, tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều bị cáo nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, với số tiền bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng; khẩn trương kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử đúng tiến độ, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong kỳ, VKSND Tối cao đã nỗ lực, khẩn trương xem xét truy tố nhiều vụ án chỉ trong thời gian từ 5 đến 7 ngày sau khi kết thúc điều tra, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đấu tranh chống tham nhũng.
“Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng trong nhiệm kỳ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt những kết quả nổi bật, đặc biệt, đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, các cơ quan tư pháp trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, báo cáo của Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.