Đa đoan Võ Khắc Nghiêm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từng có những cuộc đi về vùng than Quảng Ninh, ai cũng nhớ, cũng hỏi người tổ chức, có Võ Khắc Nghiêm không đới? Nhưng nay, hình bóng vẫn in trong những câu chuyện nóng hổi, mà nhà văn Võ Khắc Nghiêm lại mới vừa về cõi…

Quảng Ninh cùng mỏ than Đông Bắc như là thứ xui nguyên giục bị, là cái cớ để đám viết chúng tôi quen biết với những tên tuổi Vũ Duy Thông, Nguyễn An Định, Võ Khắc Nghiêm.

Cái tên lắm khi chả nói lên điều gì ở người mang tên? Mấy chục năm rồi vẫn nguyên cảm giác thơ thới thoải mái như chùng như buông khi lần đầu được ngồi với người có tên là Nghiêm ấy!

Đa đoan Võ Khắc Nghiêm ảnh 1

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm

Hoạt ngôn như nhà thơ Vũ Duy Thông, tinh khéo như Nguyễn An Định cũng chả lại với tần suất chém gió luôn mồm như ông văn sĩ họ Võ luôn làm chủ diễn đàn này.

Chuyện xưa, kỷ niệm xưa thì nhiều. Nhưng giờ nói chuyện này thôi.

… Lần ấy nhân lúc vui, tôi có vân vi rằng sao lại dùng từ chính danh trong cuốn Thị Lộ chính danh? Có cái gì đó như kém tự tin như có chút gì quần chúng mi không hiểu ta nên phải kêu toáng lên như thế? Võ văn sĩ cười tuế tóa hình như cũng có như thế! Nhưng bìa sách đã thiết kế đã làm rồi! Rằng chỉnh lại cũng không kịp thôi đành để vậy!

Đã lật giở thứ dày cộp hơn 500 trang in khổ nhớn Thị Lộ chính danh. Nhưng có lúc đi đâu xa hoặc rôi rỗi, tôi lại lẩn mẩn mở điện thoại nghe lại vài chương. Hình như hiệu ứng có khá hơn? Nó như lọt tai hơn qua cái cách nhấn nhá cùng cung bậc của người đọc? Chả thế mà tiền nhân có cụm từ giảng sách đấy là gì?

Đa đoan Võ Khắc Nghiêm ảnh 2

Như chương Thị Lộ kêu oan cho Nguyễn Trãi cùng thái độ của vua Lê Thái Tổ… Rồi cái đoạn vua Lê Thái Tổ dặn dò hoàng tử Lê Nguyên Long tức vua Lê Thái Tông sau này. Cung cách nhấn nhá bổng trầm của giọng đọc ấy như phát lộ thêm cái trữ năng dồi dào cùng cái tài của Võ Khắc Nghiêm khi sử dụng hai thứ ngôn ngữ kịch và điện ảnh. Như thấp thoáng lời thoại như bất ngờ những đóng mở cởi buộc của thời nhân danh công lý - vở kịch thành công cùng với Doãn Hoàng Giang?

Thị Lộ chính danh viết trong bao lâu? Tôi không tường việc này. Nhưng dễ phải hơn chục năm có lẻ?

Đã quá quen với một Võ Khắc Nghiêm cởi mở, bộc trực! Cánh viết lách thường lặng lẽ, thường âm thầm thực thi phận sự sáng tác của mình. Nhưng với văn sĩ họ Võ này thì khác. Lắm khi ý tưởng mới chỉ là manh nha. Mới chỉ thấp thoáng thôi nhưng ngồi với bạn bè, bất kỳ nơi đâu, đám nhậu cuộc cà phê hay trên xe là Võ Khắc Nghiêm đã chia sẻ đã rủ rỉ đã bô bô đã toáng lên rồi. Toáng? Có lẽ chả thể dùng thứ từ nào khác để chỉ cái từ khóa bộc trực cởi mở của nhà văn Võ Khắc Nghiêm. Dường như tính cách ấy nó đã đeo bám đã ám vào anh tự thuở nào?

Tôi quê gần Định Hòa Yên Định xứ Thanh - nơi quê nhà của tướng quân Ngô Từ, một tâm phúc của Bình Định Vương Lê Lợi. Ngô Từ là thân phụ của hoa hậu, của người đẹp Ngô Thị Ngọc Dao vợ vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Thánh Tông sau này. Biết vậy, Võ Khắc Nghiêm cật vấn tôi không biết bao lần cái chi tiết về quê kiểng của Ngô Từ. Về địa danh Động Bàng ghi trong chính sử. Định Hòa là tên gọi mới, nhưng thuở Ngô Từ có tên là Động Bàng. Miền quê ấy liên miên dằng dặc ken dày giống bàng xum xuê xôm tụ thành rừng, thành động.

Hỏi chi mà lắm thế? Đáp lại thái độ không mấy vui vẻ của người cùng ngồi chuyện, Võ văn sĩ cười hềnh hệch mày quên mất cái việc tao đang viết về Lê Lợi về Nguyễn Trãi về Nguyễn Thị Lộ à?

Quả có thế. Liền mấy năm cứ gặp dẫu nhoáng nhoàng cũng thấy Võ Khắc Nghiêm hé ra là đang viết về Nguyễn Thị Lộ…

Đề tài đeo bám, ám ảnh. Mặc dù viết tiểu thuyết nhưng luôn nghiêm cẩn việc khai thác, bồi đắp tư liệu. Có phải cung cách, phong thái làm việc nghiêm túc ấy đã làm nên thành công Thị Lộ chính danh? Đã làm nên thứ chú mục cho các thành viên Ban giám khảo Giải văn chương ASEAN khi họ quyết định tưởng thưởng Chính danh Thị Lộ? Thứ lao động nghiêm túc và tài hoa ấy khiến ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là Nguyễn Quang Thiều đã dùng cụm từ mà tôi cho là thỏa đáng và cũng không kém tài hoa rằng Võ Khắc Nghiêm là Luật sư xuất sắc của vụ án Nguyễn Thị Lộ!

Bây giờ thì thành công. Thì là nổi tiếng. Nhưng cái dạo Võ Khắc Nghiêm năm tao bảy tiết với Thị Lộ chính danh cùng thứ lao động miệt mài khổ ải và cả những sẻ chia bộc bạch với văn hữu ấy hình như đã lan tỏa những điều tốt lành?

Tôi nhớ mấy bận ngồi với đám viết Xứ Thanh, Võ văn sĩ thẳng thừng là các ông lười quá thể! Ấy là Võ Khắc Nghiêm đương nhắc, rồi rên rẩm. Rồi thoắt nhấn nhá với động thái cao đàm khoát luận kiêm chém gió về chúa tiên khởi Trịnh Kiểm, ông chúa khởi đầu 12 vị chúa Trịnh. 12 vị chúa phò giúp các vua Lê dằng dặc suốt chiều dài 249 năm của lịch sử Đại Việt làm nên một thể chế chính trị độc đáo Lưỡng Đầu Chế. Lê tồn Trịnh tại. Lê bại Trịnh vong. Trịnh Kiểm là nhân vật lịch sử. Đi liền đấy cũng là nhân vật của văn chương như tớ đang viết về Nguyễn Thị Lộ đây! Nội cái công trình của học giả Hoàng Xuân Hãn nhận xét đánh giá về văn tự về ngôn ngữ chúa Trịnh Kiểm sử dụng đặc biệt dân dã thuần phác đã là thứ bột gột lên vài chương của một cuốn tiểu thuyết tày tặn rồi!

Tưởng những thứ chém gió đại loại vậy lời nói gió bay nhưng hình như có đọng lại đâu đó với ai đó? Bây giờ thì hơi vội và việc văn chương bất khả lộ nhưng hiện có một ông viết (cũng thuộc dạng cộm cán) nghe Võ Khắc Nghiêm những xui cùng khích và cả kích nữa đương hoàn thành tập cuối về nhân vật lịch sử - văn chương, chúa Trịnh Kiểm!

Hậu Thị Lộ chính danh đoạt Giải Nhì văn chương Việt năm 2020, giới phê bình đã không ít những nắc nỏm cùng công tâm về những bí ẩn thâm trầm và bao thông điệp mượn xưa nói nay mà Võ Khắc Nghiêm đã nhấn nhá gửi gắm. Nhưng mạo muội nghĩ, làm nên những cái được ấy chính là sự nhất quán trong văn mạch cùng tư cách công dân của nhà văn Võ Khắc Nghiêm. Đau đáu với thời cuộc dường như là âm hưởng chủ đạo trong văn mạch của Võ văn sĩ? Âm hưởng ấy khi bảng lảng khi đậm đặc trong Nhân danh công lý trong Mảnh đời của Huệ và như dồn tụ trong Thị Lộ chính danh… Khoan hẵng tính đếm phẩm trật ấy trong những thứ dầy cộp tiểu thuyết, kịch cùng truyện vừa truyện ngắn. Nội những tiểu phẩm be bé gòn gọn như trong mục Tiếng Nói Nhà Văn chẳng hạn?

Nhớ cái dáng đi của Võ tiên sinh chả mấy khi thư thả. Cứ như chút lệch, như chút chúi về phía trước. Rồi tất tả với việc viết, thứ dày, thứ mỏng. Đa đoan là cách nói chỉ người luôn mải việc bấn bíu với việc. Bận rộn bận bịu chứ chưa hẳn là ôm đồm. Viết đến đây thấy tiêng tiếc rằng từ nay trên Báo Văn Nghệ sẽ bặt sẽ vắng giọng điệu riêng có của Võ Khắc Nghiêm trong Tiếng nói nhà văn.

Còn đâu nữa những ánh nhìn băm bổ sắc lẹm tọc mạch đau đớn đấy nhưng thường toát lên hòa khí bao dung nhân ái khi Võ Khắc Nghiêm gói gọn lòng người thói đời vào mấy trăm chữ? Thôi thì đủ mọi lĩnh vực cùng muôn hình vạn trạng của cuộc quản trị được lần lượt được mổ xẻ phơi phóng trước bàn dân thiên hạ. Nếu tỷ mẩn liệt kê hình như quãng hơn chục năm nay, nhà văn Võ Khắc Nghiêm viết rất đều trên cái mục này của Văn Nghệ. Tôi loáng thoáng biết mục này nhuận bút đâu như chỉ hơn trăm bạc. Nhưng mõ làng Võ Khắc Nghiêm thường xuyên cầm canh. Nói chữ như các cụ là Mộ cổ thần chung (chiều trống sáng chuông). Kẻ sất phu còn dự việc nước nữa là mang danh nhà văn, trí thức? Mải mốt với chức phận thức tỉnh đủ biết cái tư cách công dân của Võ văn sĩ nghiêm cẩn chừng nào. Lẩn thẩn nghĩ ông văn sĩ này quê ở Quảng Bình chừng như thừa hưởng cái tiết tháo của kẻ sĩ miền Trung? Chớ có căn cứ vào vẻ bề ngoài tếu táo lẫn hoạt kê… Cái tên Nghiêm như toát yếu đầy đủ phẩm trật của một kẻ sĩ. Nôm là nghiêm cẩn nghiêm túc nghiêm nghị. Kỳ nghiêm hô là chữ trong Luận ngữ. Là thế này. Thập mục sở thị. Thập thủ sở chỉ. Kỳ nghiêm hồ (Mười mắt chiếu vào. Mười tay chỉ vào. Đáng sợ thay).

Thôi thì cũng đường được khi xếp, khi định dạng định danh người viết thuộc địa phương nào, mảng miếng đề tài nào. Như có dạo người ta gọi Võ Khắc Nghiêm là nhà văn của vùng Mỏ vì anh viết nhiều về đề tài than Đông Bắc. Nhưng mạo muội, nhà văn là nhà văn, tài năng là tài năng! Thế thôi. Như đã ló dạng, như đã đang và sẽ còn cái tên Võ Khắc Nghiêm vậy.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm, quê quán Quảng Bình sinh năm 1942 ở Nha Trang. Ông từng là Phó tổng Biên tập Tạp chí Than Việt Nam. Xuất bản trên 20 tập tiểu thuyết, truyện ngắn và nhiều kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện nhựa, phim truyện truyền hình. Kịch bản “Nhân danh công lý” của Võ Khắc Nghiêm do Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng đoạt Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1985. Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017. Giải thưởng Văn học ASEAN với tiểu thuyết “Thị lộ chính danh” năm 2021.

MỚI - NÓNG