Vẻ hào hứng, ông Khải hồ hởi kể trước đây, bà con tìm bò sữa giống khá khó khăn, nhưng gần đây đã tìm được nguồn bò giống từ Thái Lan, năng suất không thua gì bò sữa đang nuôi ở VN mà bò dễ thích nghi, do đặc điểm khí hậu phù hợp. “Chúng tôi đang hỗ trợ bà con 50% vốn mua bò, nhưng tới đây sẵn sàng hỗ trợ tới 70% vốn, để bà con mua bò, trả vốn bằng sữa”- ông Khải cho biết.
Đất trồng cỏ nuôi bò là khó khăn với nghề nuôi bò sữa hàng hoá, nhưng ở 6 xã ven sông thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội, đồng cỏ hoang còn nhiều. Tìm được mỏ vàng này, Công ty cổ phần sữa quốc tế và UBND Huyện Ba Vì đang chuẩn bị dự án phát triển đàn bò sữa ở khu vực này. “Tôi cho rằng có thể phát triển đàn bò ở 6 xã này lên hàng chục ngàn con, vì đồng cỏ còn nhiều”- ông Khải thổ lộ.
So với đầu 2009, giá sữa tươi nguyên liệu bán cho các nhà máy đã lên đến 10 ngàn đồng/kg. Tuy giá thức ăn có tăng, nhưng nhờ giá sữa tăng theo, nên người nuôi bò vẫn có nguồn thu rất ổn định. Gia đình anh chị Nguyễn Gia Hiệp- Nguyễn Thị lê ở Tản Lĩnh, ba Vì, Hà Nội có 6 bò sữa cao sản, trung bình mỗi ngày thu 100-160 kg sữa, lãi ròng chừng 470 ngàn đồng. So với thu nhập nghề nông, thì nghề nuôi bò sữa hiện đang có đầu ra ổn định, lãi suất lại hơn hẳn, nên ông Nguyễn Mạnh Khẩn, PCT UBND xã Tản Lĩnh đang rất hy vọng vào việc phát triển đàn bò của xã thêm 1000-2000 con trong năm 2010 này.
Cũng theo ông Khẩn, nhà máy mới của IDP vừa khánh thành ngay tại xã Tản Lĩnh cũng sẽ hỗ trợ đầu ra ổn định cho đàn bò của xã. Được hỗ trợ vốn nuôi bò, mua máy vắt sữa, bồn chứa sữa, hỗ trợ học nghề và có đầu ra ổn định, Ba Vì đang có rất nhiều cơ hội để phát triển nghề nuôi bò sữa hàng hoá, một nghề truyền thống của huyện, mặc dù hoàn toàn không dễ làm, nhưng nếu làm được, thì có thể làm giàu. Bây giờ, IDP đang sẵn sàng hỗ trợ điều kiện để hỗ trợ bà con nông dân nghèo làm được nghề nuôi bò sữa.