Tù nhân đặc biệt
Tôi đến gặp đại tá Lê Khai, nguyên cán bộ Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng), người năm xưa từng có thời gian làm việc lâu năm với ông Chenoweth. Ông Khai cho biết, hồi đó, công việc của ông là làm những chương trình phát thanh về thời sự trong nước và quốc tế, đồng thời truyền tải những thông điệp hòa bình của Việt Nam… để phát thanh trong các trại tù binh trên cả nước. “Chương trình được làm bằng tiếng Anh, do một số cựu tù binh Mỹ tình nguyện cộng tác với ta đọc để thu âm trước khi phát.
Robert Chenoweth là một trong những người cộng tác với chúng tôi để làm công việc này”- Đại tá Lê Khai cho biết. Rồi ông chia sẻ thêm, ông gặp R.Chenoweth lần đầu vào năm 1970 tại trại giam phi công Mỹ ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Tiếp xúc ban đầu, ông Khai thấy Chenoweth là một người Mỹ thân thiện, có những hiểu biết về văn hóa Việt Nam.
Sau đó, khi ông Khai được biệt phái về công tác tại nhà tù Hỏa Lò, thì ông Chenoweth cũng được chuyển về đây. Sau một thời gian cộng tác với nhau để làm những chương trình phát thanh, ông Lê Khai có dịp hiểu rõ hơn về người tù binh Mỹ đặc biệt này.
Hạ sĩ lục quân R.Chenoweth đến Việt Nam từ tháng 1/1967.Tháng 2/1968, khi tham chiến tại Quảng Trị, máy bay trực thăng của ông bị trúng đạn. May mắn thoát chết, Chenoweth được giữ tại Quảng Trị một thời gian rồi được đưa ra Bắc. Trong thời gian sống tại nhà tù Hỏa Lò - nơi các tù binh được học đàn, học vẽ, được đọc lịch sử văn hóa Việt Nam qua những cuốn sách tiếng Anh do Việt Nam xuất bản trong thời chiến- Chenoweth bắt đầu có những suy nghĩ khác về cuộc chiến mà mình tham gia.
Trong 5 năm ở trại giam, những cuốn như “Viet Nam today”, “Vietnamese studies” được xuất bản từ năm 1964 do các nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc phụ trách đã thực sự cuốn hút R.Chenoweth và một số tù binh khác. Dần dần, Chenoweth trở nên ham mê lịch sử và văn hóa Việt Nam. Ông hiểu ra rằng dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, và cuộc chiến họ đang tham gia là để giải phóng đất nước. Vì vậy, khi được biết có chương trình phát thanh để thông tin cho các tù binh tại các trại giam, Chenoweth đã đề nghị được tham gia và được chấp thuận. “Đối với chương trình phát thanh, giọng đọc rất quan trọng.Nhờ nhận thức tiến bộ về hòa bình, Chenoweth đã góp phần tạo nên thành công trong những chương trình mà anh tham gia”- ông Lê Khai cho biết.
Khi ở nhà tù Hỏa Lò, được chứng kiến những trận không kích hủy diệt trong 12 ngày đêm năm 1972 vào Thủ đô Hà Nội, Chenoweth càng thấy thêm cuộc chiến do chính phủ Mỹ gây ra là phi nghĩa. Vì thế, ông cùng khoảng 10 tù binh khác đã hình thành một nhóm với tên gọi “Phong trào hòa bình” để phản đối chiến tranh. Sau thất bại của chiến dịch oanh kích 12 ngày đêm, mong muốn của những người yêu chuộng hòa bình, trong đó có những cựu tù binh như Chenoweth đã thành hiện thực khi đầu năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết, buộc quân đội Mỹ phải rút về nước.
Và ngày 15/3/1973, R.Chenoweth được trao trả về nước. “Sau khi Hiệp định Paris ký kết hai ngày, tôi nhận công tác khác nên không được chứng kiến ngày Chenoweth hồi hương, nhưng chúng tôi vẫn còn lưu những kỷ niệm đẹp về nhau”- Đại tá Lê Khai chia sẻ.
Lá cờ hòa bình
Năm 2017, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức cuộc trưng bày với chuyên đề “Tìm lại ký ức”, nên tiến hành mời một số cựu tù binh của nhà tù năm xưa đến dự. Sau một thời gian tìm kiếm và kết nối, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã liên lạc được với R.Chenoweth để mời ông dự chương trình này. Chenoweth rất mừng, vì đây cũng là cơ hội để ông tìm lại ký ức năm xưa, đồng thời được gặp lại những người bạn mà ông hằng nhớ.
Trước khi về Việt Nam, trò chuyện qua điện thoại với một cựu cán bộ quản giáo Nhà tù Hỏa Lò, Chenoweth nhắc đến ông Lê Khai, người bạn mà ông trìu mến gọi bằng cái tên Radiomen (người đàn ông làm phát thanh). Được biết ông Lê Khai cũng đến tham dự chương trình, Chenoweth càng mừng. “Hôm khai mạc Trưng bày, chúng tôi nhận ra nhau ngay, dù đã qua 44 năm. Hôm đó, tuy thời gian không có nhiều, nhưng chúng tôi cũng kịp nhắc lại một số kỷ niệm trước đây đã làm việc cùng nhau”- Đại tá Lê Khai nói.
Trở lại Việt Nam lần này, R. Chenoweth mang theo 20 kỷ vật để tặng lại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò làm công tác trưng bày. Đó là những kỷ vật như quần áo, bát đũa, dép cao su, giầy da, túi xách… mà Chenoweth từng sử dụng tại nhà tù Hỏa Lò năm xưa, rồi được ông mang về Mỹ và gìn giữ cẩn thận trong 44 năm qua. Trong số kỷ vật được tặng lại này, có lá cờ Việt Nam mà Chenoweth được một cán bộ tặng trước khi về nước đã được ông coi là kỷ vật quý giá nhất, vì đó như một biểu tượng của hòa bình. Chenoweth chia sẻ, vì lá cờ hòa bình này, nên sau khi về Mỹ ông đã đến nhiều bang ở Hoa Kỳ để nói chuyện về lịch sử văn hóa Việt Nam, về thiện chí hòa bình của người dân Việt Nam.“Lần này tôi đưa con trai đến đây để cùng con nhớ về lịch sử và hướng đến thông điệp hòa bình, nhắc nhở để thế hệ trẻ tránh lặp lại các sự việc đau lòng trong quá khứ”.
R.Chenoweth
Ông Lê Khai cho biết, đầu tháng 7/2019 vừa qua, ông có dịp gặp lại Chenoweth khi người bạn Mỹ được Ban Quản lý Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò mời sang tham dự Triển lãm “Nhật ký Hòa Bình”, nhân kỷ niệm 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình (1999-2019). Trở lại Việt Nam lần này, ông Chenoweth đưa theo con trai, là sinh viên đang học đại học ở bang Idaho.
Lại gần hai kỷ vật là lá cờ và chiếc túi sách mà ông đã tặng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò năm 2017, nay đã được trưng bày, R. Chenoweth cho biết: “Tôi nghĩ những kỷ vật này trưng bày ở Di tích có ích cho mọi người hơn là giữ chúng cho riêng mình”. Rồi ông chia sẻ thêm: “Lần này tôi đưa con trai đến đây để cùng con nhớ về lịch sử và hướng đến thông điệp hòa bình, nhắc nhở để thế hệ trẻ tránh lặp lại các sự việc đau lòng trong quá khứ”.
Đến Di tích Nhà tù Hỏa lò, tôi được cán bộ di tích đưa đi giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật tại Triển lãm “Nhật ký hòa bình” (diễn ra đến hết năm 2019-P.V). Trong số những hình ảnh, thông tin về R.Chenoweth có trong Triển lãm, tôi chú ý đến trả lời của ông với một tờ báo nổi tiếng của Mỹ sau khi được trao trả về nước năm 1973: “Nếu chúng ta là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và công lý như chúng ta vẫn thường nói, vậy tại sao chúng ta lại cho phép cuộc chiến tranh thối nát này tiếp tục? Và nếu chúng ta được xem là một quốc gia quan tâm đến những nguyện vọng chính đáng của nhân dân các nước Đông Dương, thì tại sao chúng ta lại ủng hộ chế độ phát xít do chính chúng ta xây dựng và ai là người phủ nhận quyền tự do của những người dân này? Đã đến lúc chính chúng ta phải tự chất vấn những câu hỏi này”.