Tiến tới kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đoàn:

Người tù binh Mỹ được kết nạp vào Đoàn

Người tù binh Mỹ được kết nạp vào Đoàn
TP - Bôbi 22 tuổi, sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, đang học năm thứ hai Đại học Sư phạm Ngoại ngữ bang California thì bị gọi vào lính đưa sang Việt Nam...
Người tù binh Mỹ được kết nạp vào Đoàn ảnh 1
Ông Nguyễn Anh Liên trao số tiền xây nhà tình nghĩa cho lãnh đạo huyện Bắc Trà My  ảnh: T.T.L

Trong chuyến cùng các cán bộ Khu Đoàn khu V cũ trở lại thăm trụ sở cũ ở khu căn cứ của các cơ quan lãnh đạo khu ở vùng Trà My, tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Anh Liên – nguyên ủy viên thường vụ Khu đoàn, hiện là Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, kể câu chuyện về Bobi, một tù binh Mỹ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam.

…Dạo đó, mùa đông năm 1967, máy bay B52 Mỹ mở nhiều đợt ném bom xuống vùng căn cứ an toàn của khu. Có đợt bom rải trúng cả trại tù binh Mỹ. Ông Liên dạo đó cũng bị thương đang điều trị tại Bệnh xá cơ quan Khu bộ.

Một tù binh Mỹ anh em ta gọi là Bôbi cũng bị thương, vào đây điều trị. Ông Liên được Khu ủy giao nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ người tù binh này để làm nòng cốt cho công tác binh vận, địch vận với binh lính Mỹ.

Công việc ông Liên làm hết sức thuận lợi vì cùng thời gian này cũng có hai vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ rất quan tâm  đến công tác vận động binh lính, sỹ quan Mỹ phản chiến, lại thông thạo tiếng Anh, luôn sẵn sàng giúp ông Liên vượt qua trở ngại về ngôn ngữ để tiếp xúc, gây thiện cảm với Bôbi. Đó là Giáo sư Hồ An và Đại đức Pháp sư Thích Giác Lượng.

Bôbi 22 tuổi, sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, đang học năm thứ hai Đại học Sư phạm Ngoại ngữ bang California thì bị gọi vào lính đưa sang Việt Nam, sung vào Trung đoàn Biệt kích thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 2, chuyên đi càn quét các tỉnh miền Trung.

Được tận mắt chứng kiến những cảnh lính Mỹ và lính chư hầu tàn sát người dân vô tội Bôbi và một số người lính khác dần nhận ra sự thật. Anh nhiều lần tìm cách chạy trốn, nhưng trốn đi đâu?

Một lần trong một trận càn, gặp đối phương chống trả quyết liệt, Bôbi làm dấu thánh giao số phận cho Chúa rồi buông súng, và bị bắt giải về  một làng nhỏ mà nhà cửa vừa bị lính Mỹ đốt phá.

Bôbi và mấy người bạn cùng bị bắt đã cảm thấy yên tâm vì không những không bị đánh đập, bỏ đói mà ngược lại, những người dẫn giải đã tỏ ra luôn cố gắng che chở, quan tâm tới họ.

Ban ngày được dân dành cho hầm bí mật ngay trong mỗi nhà để tránh phi pháo và phòng lính Mỹ đi càn hay trực thăng đổ bộ bất ngờ. Đêm đêm có các nhóm dẫn đường đưa họ về phía xa tiếng súng…

Trại tù binh chỉ là những gian nhà lá đơn sơ giữa khu rừng rậm, không có dây thép gai và một chế độ nhà tù hà khắc. Tù binh được đối xử tử tế. Bôbi cảm thấy được an toàn, cuộc sống dễ chịu, không còn phải lo nghĩ, lương tâm bị cắn rứt như khi còn trong quân ngũ… Thế rồi máy bay Mỹ đến ném bom, hầm hào không đủ sức chống đỡ. Nhiều tù binh thương vong.

Bôbi cũng bị thương, vào nằm bệnh xá. Anh biết thêm nhiều sự thật về Việt Cộng. Không có cái gọi là miền Bắc xâm lược miền Nam. Chỉ có nước Mỹ ngang nhiên sử dụng bộ máy chiến tranh khổng lồ định dập tắt cuộc chiến đấu chính nghĩa giành độc lập, thống nhất nước nhà của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Thế là, đáng lẽ ra viện, Bôbi về lại trại tù binh thì anh xin được nhận vào một cơ quan, tổ chức nào đó thích hợp để có dịp chuộc lại lỗi lầm. Nguyện vọng được chấp nhận. ít tháng sau, Bôbi được bố trí vào biên chế Ban binh vận của Cơ quan khu.

Trong quân phục Giải phóng, chiếc mũ tai bèo, súng AK báng gấp và chiếc loa pin đeo trước ngực với nhiệm vụ của một cán bộ binh vận, Bôbi cùng nhóm thường xuất hiện quanh các đồn bốt lính Mỹ và quân đồng minh để giải thích chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng và kêu gọi binh lính, sĩ quan trong đồn phản chiến.

Riêng tại mấy thị trấn gần căn cứ như Tiên Phước, Nam Phước, Cao Lâu… bọn địch đã quen tiếng Bôbi. Mỗi lần giọng Bôbi cất lên qua loa là lập tức bọn chỉ huy lệnh nã pháo, súng cối xối xả về phía anh hòng ngăn chặn tiếng nói chính nghĩa của một người Mỹ chân chính.

Nhưng, tiếng loa càng dõng dạc, hùng hồn hơn vì anh được che chở, bảo vệ bởi cả một dân tộc thà hy sinh tất cả để giành được độc lập, tự do.

Những thành tích của Bôbi được ghi nhận. Bôbi mạnh dạn thổ lộ nguyện vọng với cấp chỉ huy và viết đơn xin gia nhập Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam. Trong đơn anh lấy tên Việt Nam là Nguyễn Chiến Đấu.

Bôbi tâm sự: Anh xin được mang họ “Nguyễn” của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc vĩ đại. Còn “chiến đấu” là tâm nguyện, là lời hứa danh dự của người chiến sĩ cách mạng một đời đấu tranh vì mục tiêu cao cả của mọi người có lương tri trên thế giới hãy noi gương Việt Nam: Hòa bình cho nhân loại, độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân.

Lễ kết nạp Đoàn viên mới – Một tù binh Mỹ được long trọng tổ chức tại chi đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam tại cơ quan Ban Binh vận khu  ngày 26/3/1970.

MỚI - NÓNG