Cứu những gì còn sót lại

Một ngôi nhà cổ còn sót lại ở Cự Đà
Một ngôi nhà cổ còn sót lại ở Cự Đà
TP - “Nếu không nhanh chóng thì chúng ta sẽ mất hẳn Cự Đà và ngôi làng cổ độc nhất vô nhị này rồi cũng sẽ chỉ còn tồn tại trong hồi ức”, ông Phạm Đức Hân, Giám đốc Công ty cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa Việt, một người tự nhận mình “có duyên” với di sản làng cổ Cự Đà cảnh báo.

> Cự Đà - tân hóa vì nhiều tiền

Một ngôi nhà cổ còn sót lại ở Cự Đà
Một ngôi nhà cổ còn sót lại ở Cự Đà.

Đừng nói suông nữa!”

Dự án Tổng điều tra các di tích kiến trúc cổ truyền của người Việt ở vùng Châu thổ Bắc Bộ do Viện Bảo tồn di tích thực hiện đã tiến hành khảo sát ở Cự Đà từ năm 2007.

Là người trực tiếp tham gia, ông Phạm Đức Hân nói, Cự Đà có rất nhiều công trình đẹp, ở nhiều khía cạnh còn hơn cả làng cổ Đường Lâm. Trước đây, trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, ông Hân cùng các cộng sự đã sớm cảnh báo nguy cơ mai một và có thể mất đi bất cứ lúc nào ngôi làng cổ này.

KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, nếu không có dự án lấy đất canh tác ở xã Cự Khê để xây khu đô thị thì ngôi làng cổ này sẽ chẳng bao giờ mất đi. Mỗi hộ dân nhận được số tiền đền bù không nhỏ, đủ để xây đến mấy căn nhà. Một làng quê đáng lẽ sẽ trở thành di sản bền vững, bỗng chốc tiêu tan. “Chẳng phải là cho tiền để Cự Đà “tự sát” hay sao. Chua xót quá” - KTS Ngô Doãn Đức nói.

Là người thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học duy nhất về làng cổ Cự Đà, bà Huỳnh Phương Lan, Viện Bảo tồn di tích không khỏi xót xa. Bà Lan cho biết, năm 2005, tại thời điểm thực hiện đề tài nghiên cứu, ngôi làng này vẫn còn bảo tồn khá đủ hình thái của một làng cổ ven sông.

Nhà tầng thay nhà cổ
Nhà tầng thay nhà cổ.

Bên cạnh những yếu tố truyền thống của một làng Việt cổ, các yếu tố ảnh hưởng của văn minh phương Tây tại làng cũng đã làm cho Cự Đà có những đặc trưng riêng biệt so với nhiều làng Việt khác.

Tại thời điểm thực hiện đề tài, quá trình mở rộng đô thị chưa tác động nhiều tới Cự Đà. Nhưng ngày ấy cũng đã lác đác xuất hiện hiện tượng biến đất nhà thành xưởng sản xuất. Công trình nghiên cứu này vì thế đã đề xuất định hướng bảo tồn hệ thống nhà cổ, cải tạo cảnh quan môi trường và kiến nghị phải có những biện pháp hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật để người dân bảo tồn nhà cổ.

Nhưng cuối cùng, tất cả lại rơi vào im lặng. Ông Phạm Đức Hân nói, thật nghịch lý khi người nghiên cứu cứ nghiên cứu, người phá cứ phá. Có những đề tài phải đổ vào biết bao mồ hôi, công sức rồi chỉ để cho vào hòm khóa lại.

“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo. Trong một số cuộc họp và hội thảo cũng đã nêu lên những giải pháp, phương án để giữ gìn lâu dài di sản làng cổ Cự Đà đối với Sở VHTTDL và Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Hà Tây (cũ), nhưng rồi có ai nghe đâu!”- ông Hân bức xúc.

Bởi thế, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản này cho rằng, đừng chỉ nói suông nữa. Để cứu lấy những gì còn sót lại, không thể chỉ ngồi im mà hô khẩu hiệu.

Ông Sủng trong ngôi nhà cổ của mình
Ông Sủng trong ngôi nhà cổ của mình.

Chỉ là dấu tích cũng cần phải giữ

“Nếu không, chúng ta sẽ mất vĩnh viễn một ngôi làng cổ đẹp nhất. Và thế hệ hôm nay sẽ kể lại cho con cháu đời sau những gì về Cự Đà nếu không giữ lại một chút thuộc về dấu tích nơi đây?”- ông Phạm Đức Hân nhấn mạnh.

Cũng đồng quan điểm này, bà Huỳnh Phương Lan cho rằng, để cứu vãn những di sản còn lại của ngôi làng này, cần đặt việc bảo vệ Cự Đà dưới sự hỗ trợ của pháp luật. “Bên cạnh vấn đề nâng cao nhận thức, cần có các hỗ trợ về tài chính cũng như tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân”- bà Lan kiến nghị.

“Cứu Cự Đà bây giờ khác gì cứu hỏa. Lửa cháy đùng đùng rồi, phải có nước mà phụt vào, may ra…”. Theo ông Phạm Đức Hân, việc phải làm ngay là cần có một khoản kinh phí để mua lại những ngôi nhà cổ đã bị phá dỡ để tái tạo không gian làng cổ ở một nơi khác. Bên cạnh đó, phải có cơ chế, chính sách tài chính cụ thể để những gia đình chưa phá nhà cổ kiên trì giữ lại. Chẳng hạn, không phá nhà cổ sẽ được thưởng tiền.

“Dẫu chỉ là giữ lại được một nếp nhà cổ thôi cũng đã là quý. Đừng ai nghĩ rằng nếp nhà ấy sẽ trở nên lạc lõng…”, ông Phạm Đức Hân nói.

Ông Vũ Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết, một vài năm trước, xã đã dự kiến lập quy hoạch quỹ đất để giãn dân và phát triển làng nghề, cũng để giữ gìn bền vững không gian cổ kính cho Cự Đà. Nhưng cho đến nay, khi Cự Đà cổ đang gần như đang biến mất thì quy hoạch trên vẫn không thể trở thành hiện thực.

Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ sự lên tiếng nào từ các sở, ngành chức năng, bên cạnh tiếng kêu cứu đầy bất lực của chính quyền sở tại.

Sẵn sàng đổi đất lấy nhà cổ

Trong khi cơn bão tàn phá di sản đang ồ ạt đi qua Cự Đà, vẫn còn có những con người tâm huyết đang mong chờ chính quyền địa phương sớm có giải pháp để cứu lấy những gì còn lại của ngôi làng cổ này.

Ông Trịnh Thế Sủng (xóm Đồng Nhân Cát), người đàn ông mà cái tên đã trở thành “thương hiệu” của Cự Đà trăn trở, nếu xã cho đất xây nhà ở nơi khác, tôi sẵn sàng đổi để giữ lại ngôi nhà cổ này.

Cũng theo ông Sủng, nếu chính quyền địa phương không sớm có giải pháp thì có lẽ, chỉ sang năm thôi, trên nền đất của ngôi nhà cổ có niên đại hơn 130 năm mà gia đình ông đang sống cũng sẽ mọc lên một ngôi nhà 3-4 tầng bề thế.

“Phá đi tôi cũng buồn, cũng tiếc. Nhưng nếu không thì với tốc độ mọc lên chóng mặt của các ngôi nhà tầng xung quanh, cái nhà cổ này sẽ nhanh chóng trở thành ao tù chứa nước”- ông Sủng than thở.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG