Cựu nhân viên hộ lý BV Phụ sản kiêm 'mẹ mìn'

Cựu nhân viên hộ lý BV Phụ sản kiêm 'mẹ mìn'
TPO - Từng làm nhân viên hộ lý nhiều năm, phát hiện thấy việc mua bán trẻ sơ sinh có thể đem lại lợi nhuận cao, Kim Chi kéo chồng vào lập đường dây mua bán trẻ em, thực hiện trót lọt nhiều phi vụ....

> Cựu nhân viên hộ lý bán trẻ sơ sinh

Các bị cáo
Các bị cáo đồng loạt phản cung và cho rằng, hành vi của mình chỉ là “giúp đỡ” các cặp hiếm muộn muốn có con nuôi.

Chiều nay (21-3), TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử hình sự sơ thẩm đối với Nguyễn Thị Kim Chi (SN 1953, trú ở phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng đồng phạm về hành vi mua bán trẻ em.

Phiên xử đã từng bị hoãn nhiều lần do sức khoẻ không đảm bảo của bị cáo Chi. Trong quá trình gây án, bị cáo này mắc phải căn bệnh tai biến mạch máu não, không thể phát ngôn rõ ràng.

Sau khi điều trị, căn bệnh thuyên giảm, cựu nhân viên hộ lý Bệnh viện Phụ sản trung ương (Viện C) phải đối mặt với bản án nghiêm khắc về hành vi phạm pháp của mình.

Theo cáo buộc, trong thời gian làm việc tại Viện C, Chi biết nhiều trường hợp sản phụ sinh con ngoài ý muốn, không có nhu cầu nuôi con. Lại biết nhiều gia đình hiếm muộn, muốn có con nuôi, Chi nảy sinh ý định thiết lập đường dây mua bán trẻ em.

Để đạt được mục đích này, “mẹ mìn” Nguyễn Thị Kim Chi bàn bạc với chồng – Đặng Quang Hy (SN 1944). Ngay sau khi nhận được “cái gật đầu” của chồng, Chi “điều” Hy thường xuyên lui tới các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, như Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Giao thông vận tải... lân la, làm quen với các nhân viên bệnh viện, các lái xe ôm để họ giới thiệu “hàng” là những trẻ sơ sinh cho các cặp hiếm muộn.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1-2009 đến tháng 11-2010, cặp vợ chồng Chi- Hy đã thực hiện trót lọt bốn phi vụ mua bán, chiếm đoạt trẻ sơ sinh, thu lời hàng chục triệu đồng.

Đơn cử trường hợp ngày 15-1-2009, Chi xin sản phụ Trần Thị Thảo (không xác định được địa chỉ cụ thể) cháu trai 2,7 kg tại Viện C. Sau đó, Chi đem về cho Bùi Thị Lệ Thuần (SN 1962, trú ở phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nuôi dưỡng ít hôm và bán cho vợ chồng anh Phạm Văn Hoà (chưa xác định địa chỉ cụ thể) với giá 35 triệu đồng. Với hành vi này, Chi cùng đồng phạm bị truy tố, xét xử theo khoản 2, Điều 120 BLHS với khung hình phạt cao nhất đến chung thân.

Tại phiên toà chiều nay, các bị cáo đồng loạt phản cung và cho rằng, hành vi của mình chỉ là “giúp đỡ” các cặp hiếm muộn muốn có con nuôi. Bị cáo Chi nại rằng, do có nhiều bạn bè, người thân không có khả năng sinh con nên đã nhờ bị cáo tìm con nuôi hộ.

Với lời khai “ngây thơ” này, vị hội thẩm buộc dừng xét hỏi để nhắc nhở bị cáo: “Bị cáo nên nhớ, bị cáo từng công tác tại Bệnh viện Phụ sản nhiều năm, ở đây, bị cáo biết rõ các trường hợp cũng như thủ tục xin con nuôi ở các trung tâm bảo trợ xã hội, không thể cứ mang con người này, cho người khác là coi như mình vô can. Đây là trường hợp pháp luật buộc phải biết”.

Cũng như vợ, bị cáo Đặng Quang Hy khăng khăng mình vô tội và cho rằng, thực chất bị cáo này không hề tham gia các hoạt động mua bán trẻ em, chỉ là “xe ôm” cho vợ. Vợ bảo chở trẻ sơ sinh đến đâu, bị cáo mang đến đó.

Trước tình thế này, thẩm phán – chủ toạ phiên toà Trần Thị Đông Bích buộc công bố bút lục, là bản kiểm điểm cho chính bị cáo Hy khai trong quá trình điều tra.

Bản kiểm điểm (ngày 24-11-2010) có đoạn: “Từ năm 2009 đến nay, tôi và vợ đã nhiều lần đến Viện C, sau đó đem trẻ sơ sinh về thuê cô Thuần nuôi dưỡng, bán kiếm lời”.

Với những bằng chứng không thể chối cãi, Toà tuyên phạt bị cáo Chi 8 năm tù, nhẹ hơn 2 năm là mức án dành cho Đặng Quang Hy. Với vai trò nuôi dưỡng các trẻ sơ sinh, tham gia giúp sức vào đường dây mua bán trẻ em cho vợ chồng Chi lập ra, bị cáo Bùi Thị Lệ Thuần nhận mức án 4 năm tù.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.