Cứu nam thanh niên nặng 140kg mắc COVID-19 bị bão Cytokine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nam bệnh nhân 28 tuổi cân nặng 140kg đối mặt với nguy cơ tử vong. Gần 3 tháng qua các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa giúp bệnh nhân vượt qua tử thần.

Ngày 5/2, TS.BS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 16 cho biết, tại đây vừa làm nên kỳ tích khi cứu sống bệnh nhân mắc COVID-19 trên nền cơ địa béo phì.

Cứu nam thanh niên nặng 140kg mắc COVID-19 bị bão Cytokine ảnh 1

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch do mắc COVID-19 trên cơ địa béo phì

Nam bệnh nhân là Vũ Q. H. 28 tuổi, mắc COVID-19 nhập viện (ngày 10/11/2021) do hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, viêm phổi COVID-19 trên nền cơ địa béo phì với cân nặng 140kg và đái tháo đường type 2. Tình trạng suy hô hấp ở bệnh nhân diễn tiến nhanh phải can thiệp thở máy xâm lấn và ECMO (oxy hoá máu màng ngoài cơ thể) trong vòng 24 giờ đầu sau nhập viện.

Các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp bệnh nhân có nguy cơ diễn tiến nặng nhanh vì hiện tượng tăng viêm quá mức trong COVID-19 (bão cytokine). Bệnh nhân được theo dõi hồi sức liên tục, hội chẩn hội đồng chuyên môn cấp thành phố được áp dụng các biện pháp điều trị tối ưu nhất.

Cứu nam thanh niên nặng 140kg mắc COVID-19 bị bão Cytokine ảnh 2

Các bác sĩ đã nỗ lực chăm sóc, điều trị liên tục giúp người bệnh từng bước qua nguy kịch

Tuy nhiên, 18 giờ sau nhập viện, bệnh nhân diễn tiến hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, phải can thiệp đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn. Tình trạng suy hô hấp bệnh nhân diễn tiến nhanh, trên một bệnh nhân béo phì nặng và tiên lượng can thiệp thủ thuật phức tạp, các chuyên gia hồi sức Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 16 đã can thiệp thành công ECMO (oxy hoá máu ìmàng ngoài cơ thể) cho người bệnh.

Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục diễn tiến suy đa cơ quan do bão cytokine. Các bác sĩ phối hợp lọc máu hấp phụ với duy trì ECMO để đảm bảo chức năng các cơ quan. Sau 1 tuần hồi sức tích cực với kỹ thuật cao, sinh hiệu bệnh nhân và chức năng các cơ quan bắt đầu hồi phục và ổn định dần, tuy nhiên, tổn thương X-quang phổi do COVID-19 tiến triển nặng (đông đặc đến 80% thể tích phổi), bệnh nhân phải hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO.

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “ECMO được xem là niềm hi vọng cuối cùng của bệnh nhân viêm phổi COVID-19 nguy kịch khi thở máy xâm lấn không thành công. Tuy nhiên, theo y văn thế giới, ở bệnh nhân béo phì bệnh lý khi can thiệp ECMO có nguy cơ xuất hiện các biến chứng và tỉ lệ tử vong cao. Quá trình chăm sóc điều dưỡng bệnh nhân ECMO có béo phì nặng rất khó khăn, đặc biệt khi xoay trở tư thế bệnh nhân, phòng ngừa loét tì đè, phòng ngừa nhiễm trùng bệnh viện, cũng như phải có chế độ dinh dưỡng vừa phù hợp nhu cầu chuyển hoá cơ bản, vừa đáp ứng tình trạng viêm nhiễm trùng nặng”.

Bằng những biện pháp chuyên môn, các bác sĩ đã nỗ lực can thiệp cho người bệnh kết hợp chăm sóc, điều trị liên tục. Bên cạnh đó, các chuyên gia vật lý trị liệu và Dinh dưỡng lâm sàng cũng đưa ra chiến lược phục hồi chức năng hô hấp, vận động và dinh dưỡng tăng cường, với mục tiêu đưa bệnh nhân tái hoà nhập cuộc sống bình thường càng nhanh càng tốt. Sau 84 ngày điều trị các vùng xẹp phổi và đông đặc trên X-quang cải thiện đáng kể, bệnh nhân đã cai được máy ECMO, máy thở, sức khỏe bình phục tốt.

MỚI - NÓNG