Cựu CSGT kêu giang hồ đánh chết người vi phạm kêu oan

Phạm Sỹ Hoài Như tại tòa. Ảnh: Tân Châu
Phạm Sỹ Hoài Như tại tòa. Ảnh: Tân Châu
TPO - Bị cấp sơ thẩm tuyên 12 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, Phạm Sỹ Hoài Như (SN 1980, nguyên thượng sĩ, CSGT Công an quận Tân Bình) kháng cáo kêu oan. Cùng lúc gia đình bị hại cũng kháng cáo yêu cầu xử bị cáo tội giết người.

Hôm nay (29/9), TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xử vụ ‘Cựu CSGT gọi giang hồ đánh chết người’ mà Tiền Phong đã nhiều lần đưa tin.

Trước đó, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Phạm Sỹ Hoài Như 12 năm tù; các đồng phạm trong vụ án là Nguyễn Minh Chung (SN 1991, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) 12 năm tù;  Ngô Thành Vương (SN 1996, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) 9 năm tù; Trần Đức Vững (SN 1996, quê Quảng Ngãi) 11 năm tù và Phạm Thanh Kim Hạnh (SN 1997, ngụ Đắk Nông) 5 năm tù – cùng tội danh “Cố ý gây thương tích”.

Theo nội dung bản án, khoảng 21 giờ 30 ngày 25/6/2014, tổ tuần tra Đội cảnh sát giao thông – CA Quận Tân Bình gồm Lê Trường Giang, Nguyễn Huy Thông, Hoàng Văn Nam, Vũ Bá lâm, Hồ Thiên Hậu và Phạm Sỹ Hoài Như (Như làm tổ trưởng) tiến hành tuần tra, kiểm soát trên một số tuyến đường. Sau đó tổ dừng và chốt trước Đài tưởng niệm tại ngã tư đường Tân Kỳ Tân Quý – Trường Chinh.

Đến 22 giờ 20 phút cùng ngày, CSGT Lê Trường Giang thấy ông Nguyễn Văn Chín điều khiển xe máy có biểu hiện sử dụng rượu bia nên đã ra hiệu dừng xe để kiểm tra và đo nồng độ cồn.

Ông Chín không chấp hành, cự cãi và không ký vào biên bản. Đến khoảng 22 giờ 55 phút, Phạm Sỹ Hoài Như gọi điện cho ông Nguyễn Minh Chung (ông Chung không nghề nghiệp, vừa mãn hạn tù 3 năm về tội “Cướp giật tài sản”) yêu cầu đến nơi Như đang làm việc để nhờ một số chuyện.

Ông Chung gọi thêm Hạnh, Vương và Vững, khi nhóm của Chung đến, Như kêu ông Chung đánh dằn mặt ông Chín nhưng không để ảnh hưởng tới tổ CSGT đang làm việc.

Nghe Như nói vậy, Chung ‘dụ’ ông Chín là xe đã vi phạm mà còn cự cãi thì không lấy xe được đâu, muốn lấy xe thì đi theo Chung.

Chung dẫn ông Chín đi về phía có Hạnh, Vương và Vững đang đứng đợi (cách nơi tổ giao thông đang đứng chốt khoảng vài chục mét).

Khi ông Chín vừa đến, Vương xông vào dùng tay phải “đánh chỏ” vào mặt, cầm trái ông Chín.

Hạnh dùng tay phải đấm vào vùng mặt trái ông Chín, ông Chín né ngửa về phía sau, Hạnh chống tay trái vào vùng ngực ông Chín, dùng tay đấm vào vùng dưới sườn, gần hông trái của ông Chín. Tiếp đến, Vững dùng chân phải đạp vào vùng bụng ông Chín.

Lúc này một số người dân kéo đến can ngăn nên Hạnh, Chung, Vững và Vương bỏ đi.

Đến 23 giờ 32 cùng ngày, Chung gọi điện cho Như là đã đánh ông Chín xong.

Khoảng 24 giờ cùng ngày, tổ tuần tra đi về trụ sở thì cảnh sát Lê Trường Giang phát hiện ông Chính ngồi trên lề đường gần nơi CSGT vừa đứng chốt, Giang gọi taxi đưa ông Chín vào bệnh viện và đến 4 giờ sáng ngày 27/6/2014 thì ông Chín tử vong.

Sau bản án sơ thẩm, gia đình nạn nhân kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét xử các bị cáo tội danh giết người. Bị cáo Như kháng cáo kêu oan, 3 bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và 1 bị cáo chấp nhận bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo, gia đình nạn nhân giữ nguyên các quyết định kháng cáo.

Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP.HCM – bảo vệ gia đình nạn nhân) yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo hướng các bị cáo có hành vi giết người.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm cho rằng, bản án sơ thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội và giữ nguyên nội dung của án sơ thẩm.

Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên án với nhận định, Cấp sơ thẩm đã không điều tra tình tiết là cái nón bảo hiểm, đây là tang vật mà nhân chứng khai nhìn thấy khi xảy ra vụ án. “Ở đây cần làm rõ xem có dùng cái nón bảo hiểm đánh người hay không, nếu có thì ai đánh để quy buộc tội” – Bản án nêu.

HĐXX cấp phúc thẩm cũng cho rằng, có lời khai Phạm Sỹ Hoài như đặt vấn đề đưa cho 1 bị cáo trong vụ án 200 triệu đồng, mỗi tháng Như đưa thêm 5 triệu đồng để bị cáo này nhận hết tội thay cho Như. “Nhưng cấp sơ thẩm đã không cho các bị cáo đối chất lời khai này là thiếu xót”, Chủ tọa nói.

Ngoài ra, HĐXX cũng nêu rằng khi vụ án xảy ra, chỉ có vợ nạn nhân là đại diện hợp pháp cho nạn nhân là thiếu xót, cần quyết định cho cha, mẹ nạn nhân làm đại diện tham gia tố tụng mới đảm bảo quyền lợi cho phía nạn nhân.

“Trong khuôn khổ phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm không thể giải quyết các nội dung nói trên, quyết định hủy bản án sơ thẩm, giao VKS điều tra, xử lý” – Chủ tọa kết thúc phiên tòa phúc thẩm

MỚI - NÓNG