Cựu tù Phú Quốc Phương Văn Phín ở cuối thôn Phạc Giàng, xã Hùng Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Muốn đến đó phải qua đò vượt hai con sông Văn Mịch và Kỳ Cùng và các cung đường nhỏ luồn qua những quả đồi che khuất. Giữa mênh mông rừng cây ngút ngàn, một chiếc lều xập xệ ngả nghiêng nép vào góc đồi. Ông Phín lơ đễnh chui từ lều ra, ngạc nhiên khi khu vực này xuất hiện bóng người lạ. Nhưng ngay sau đó, cả chủ lẫn khách đều đồng cảm, nắm tay, ấm tình người.
Hát trong roi vọt quân thù
Ông Phín sinh năm 1950, là con trai độc nhất trong bốn người con của một gia đình người dân tộc Tày ở cuối làng Phạc Giàng. Năm Mậu Thân 1968, chàng trai tuổi mười tám này viết đơn bằng máu, xung phong vào Nam đánh giặc. “Những năm kháng chiến thật oanh liệt, quần nhau với giặc suốt từ công trường 9 Tây Ninh đến miền đông Nam bộ. Trong một trận đánh giằng co ở ấp Long Phi, huyện Bình Cầu, tỉnh Tây Ninh, mình và hai đồng đội lọt vào ổ phục kích của địch, sau đó mình ngất đi lúc nào không biết”, ông Phín kể.
Ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Đoàn 26, Bộ tư lệnh miền Đông, nói: “Anh Phín là chiến sỹ do tôi trực tiếp chỉ huy. Ngày 4/4/1970, anh Phín cùng hai chiến sỹ thông thạo địa hình thực hiện nhiệm vụ trinh sát chuẩn bị cho quân ta tấn công cầu Long Phi, không ngờ rơi vào vòng vây của địch. Khi biết mình bị thương, Phín bảo đồng đội rút, còn mình xông lên, phá vòng vây. Địch bắt anh, đưa về nhốt tại Nha cảnh sát Sài Gòn-Gia Định rồi nhà tù Biên Hòa. Không khai thác được gì từ người chiến sỹ kiên trung, Mỹ-ngụy chuyển Phín ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, chúng tra tấn Phín dã man và dùng cả những đòn tâm lý chiến, mua chuộc, nhưng vẫn không lung lay được ý chí của người chiến sỹ cộng sản”.
Ông Phín kể: “Tôi bị cho vào két sắt phơi nắng chang chang, sau đó bị lôi vào chuồng cọp, dí điện vào đầu. Bọn chúng tra tấn hết ngày này qua ngày khác. Hễ ngất xỉu lại vứt về nhà lao, bạn tù tiếp tục chăm sóc. Mỗi lần như vậy, mình gắng gượng động viên anh em bằng những bài ca cách mạng. Mình còn sáng tác nhiều bài hát, bài thơ bằng tiếng Kinh và tiếng dân tộc Tày-Nùng”. Giữa năm 1973, ông Phín bị tra tấn, nhiều ngày nôn ra máu. Hiệp định Paris được ký kết, ông Phín được trao trả tù binh. Theo ông Nguyễn Phi Hùng, sau khi tiếp nhận ông Phín bên sông Thạch Hãn, đơn vị cho ông về Quân khu Tả Ngạn điều dưỡng, sau đó cho phục viên, trở lại địa phương.
Ông Phín (bìa phải, đội mũ) mừng vui đón nhận hảo tâm của cộng đồng. Ảnh: Duy Chiến.
Cơ cực
Một vài năm sau, ông Phín xây dựng gia đình với bà Nông Thị Liêu (SN 1950), người cùng làng Phạc Giàng. Hai người sinh hạ được hai con nhưng đều không sống nổi vài ngày. Hoang mang không hiểu lý do gì, gia đình tổ chức làm Then 3 ngày đêm để “giải hạn”. Những năm sau đó, họ sinh ra 3 người con tuy ốm yếu nhưng vẫn lớn lên theo tháng ngày cơ cực cùng bố mẹ. Hai đứa con gái lúc nhớ, lúc quên, không được khôn; thằng con trai da xanh như tàu lá, ba năm nay lại vướng bệnh tật, mỗi tuần phải đi Bệnh viện Đa khoa trung tâm ở thành phố Lạng Sơn, xa nhà gần 100 cây số để chạy thận ba lần.
Ông Đinh Xuân Thoái, Chủ tịch UBND xã Hùng Việt, cho biết: “Cựu chiến binh Phương Văn Phín trở về địa phương sinh sống, không màng đến quyền lợi, chính sách. Những năm chiến tranh, nhất là cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, rồi trận lũ lịch sử 1986 đã cuốn trôi hết giấy tờ nhà, hồ sơ, lý lịch quân nhân, nên kể từ khi ra quân đến năm 2014, ông Phín không được hưởng chế độ, chính sách gì”.
Ông Phín tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm, cộng với gia cảnh túng bấn nên suy sụp rất nhanh. Vợ ông gày yếu, đau ốm liên tục, không có tiền chạy chữa. Mảnh vườn khô hạn trồng sắn, ngô, khoai kém năng suất vì thiếu nước tưới. Gia đình ông bấm bụng vay ngân hàng 10 triệu đồng để thuê người đào giếng, đến nay đã 7 năm, chưa trả được nợ.
“Vợ con Phín nheo nhóc, gia đình không có gì ăn. Đã vậy, thằng con trai là chỗ dựa duy nhất đổ bệnh, ông Phín nghĩ quẩn ra bờ sông Kỳ Cùng định nhảy xuống. Ba lần. Thế nhưng, nghe tiếng gọi thất thanh của các con, ông lại cầm lòng, quay trở lại cái lều dột nát”, ông Nguyễn Phi Hùng xót xa nói.
Ngôi nhà tình thương dự kiến được bàn giao cho ông Chín sáng 11/1.
Thắp sáng niềm tin
Ngày 15/10/2015, Tiền Phong có bài “Mong ước một mái nhà của cựu chiến binh nghèo” về gia cảnh của ông Phín. Rất nhiều bạn đọc, cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã nhanh chóng kết nối với cơ quan đại diện của báo tại tỉnh Lạng Sơn để chung tay, giúp sức nhằm xây dựng một mái ấm tình thương cho người cựu tù Phú Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, bà Nông Thị Lâm, cho biết, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan Mặt trận địa phương rất hoan nghênh tiếng nói kịp thời của Tiền Phong cũng như chương trình, kế hoạch xây tặng nhà tình nghĩa cho ông Phín. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn chung tay, giúp sức cùng chương trình số tiền 20 triệu đồng (trong đó 15 triệu đồng trích từ Quỹ người nghèo của tỉnh, 5 triệu đồng là tiền phát tâm của Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Lạng Sơn). Chưa đến một tháng kể từ khi phát động, hơn 10 doanh nghiệp và hàng chục nhà hảo tâm, các cháu thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn đã quyên góp, ủng hộ số tiền trên 70 triệu đồng. Ngày 23/11/2015, lễ động thổ xây nhà cho ông Phín được tổ chức trong niềm hân hoan, vui sướng của gia đình và bà con chòm xóm.
Chứng kiến việc vận chuyển vật liệu qua hai con sông, vượt núi, băng đèo đến nơi tập kết xây nhà mới thấy hết sự gian truân của những người thợ và những người tham gia giúp sức. Lực lượng đoàn viên thanh niên xã Hùng Việt tổ chức trên 80 công vận chuyển gạch, cát, xi măng; cải tạo con đường từ bến đò đến nhà ông Phín dài gần 1 km. Tận thấy gia cảnh khó khăn của ông Phín, cũng như việc làm ý nghĩa thiết thực của chương trình, Chi hội Ô tô Fun Lạng Sơn và CLB Xe địa hình Lạng Sơn xung phong nhận phần việc dựng mái tôn và bức vách ngăn tường cho công trình nhà tình nghĩa, giảm đáng kể kinh phí xây dựng. CLB Thắp sáng niềm tin (thành phố Lạng Sơn) chăm lo đóng giường, tủ, mua sắm bàn ghế cùng nhiều vật dụng thiết yếu cho ông bà Phín.
Là thủ trưởng cũ, ông Nguyễn Phi Hùng xăng xái lo hồ sơ, giấy tờ để ông Phín được hưởng chế độ người có công với nước kể từ tháng 3/2015. Đến khi xây dựng công trình nhà tình thương, ông Hùng lại là người nhiệt tình tham gia chỉ đạo, trực tiếp thi công công trình. Cách đây vài ngày, lúc cùng nhóm thợ đi lấy cây về làm xà nhà, vì kèo, ông đột nhiên bị đàn ong vò vẽ tấn công. Bị ong đốt hơn 20 phát vào mặt, chân, tay, ông Hùng phải vào Bệnh viện huyện Tràng Định cấp cứu. Sau một ngày đỡ nguy kịch, dù các bác sỹ khuyên can, ông Hùng vẫn một mực xin ra viện, trở về hiện trường để chỉ đạo công trình xây dựng nhà tình nghĩa.
Ngày 7/1, công trình “Mái ấm tình thương” hoàn tất và được nghiệm thu. Dự kiến, sáng 11/1, lễ khánh thành và bàn giao công trình được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, các ban ngành hữu quan cùng bà con hàng xóm gia đình cựu chiến binh Phương Văn Phín. Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn tặng gia đình ông Phín một chiếc ti vi 40 inch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn và Ban tổ chức chương trình tặng quà cho 13 hộ dân nghèo, cựu chiến binh, cựu TNXP gặp nhiều khó khăn ở xã Hùng Việt, huyện Tràng Định. Cấp ủy, chính quyền huyện Tràng Định tặng sổ tiết kiệm trị giá 25 triệu đồng, giúp gia đình ông Phín ổn định cuộc sống. Ngân hàng NN&PTNT huyện đảm nhiệm thanh toán xây dựng đường điện thắp sáng từ nơi hạ thế đến nhà ông Phín dài trên 1.000 mét, trị giá 13 triệu đồng.
Cựu chiến binh Phương Văn Phín xúc động nói rằng, ông như đang mơ, không ngờ đến đúng dịp xuân mới Bính Thân sắp về, cuộc đời ông sang một trang mới, tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Chương trình “Mái ấm tình thương” trân trọng ghi nhận, cảm ơn:
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn
- Cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể huyện Tràng Định (Lạng Sơn)
- Cty CP Sản xuất & Thương mại Lạng Sơn
- Ngân hàng NN &PTNT huyện Tràng Định
- Chi hội Xe ô tô Fun Lạng Sơn và CLB Xe địa hình Lạng Sơn
- CLB Thắp sáng niềm tin thành phố Lạng Sơn
- Cty Viettel Lạng Sơn
- Cty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Việt Bắc (Lạng Sơn)
- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Lạng Sơn
- Cty Tư vấn xây dựng giao thông Cửa Đông - Lạng Sơn
- Cty Taxi tải Cường Thịnh - thành phố Lạng Sơn
- Bà Nguyễn Thị Lợi (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc)
- Chị Đồng Thùy Linh và Trần Ngọc Anh (thị trấn Đồng Đăng)
- Chị Hà Thúy Điệp, thành phố Lạng Sơn
cùng nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân, các em học sinh trên địa bàn Lạng Sơn đã tham gia, chung tay, giúp sức xây dựng nhà tình nghĩa cùng các trang thiết bị cho gia đình cựu chiến binh Phương Văn Phín.