Cứu cậu bé bị đàn bò giẫm đạp dập lách, rách phổi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Không may trượt chân té khi đi lùa đàn bò phụ cha, cậu bé 10 tuổi đã bị giẫm đạp, ói ra máu. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhi bị đa chấn thương, trong đó nặng nhất là tình trạng dập lách, rách phổi.

Ngày 18/3, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi bị tai nạn khá hi hữu. Bệnh nhi là bé trai H.D.H. (10 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do bị bò giẫm đạp.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước đó bé H. phụ cha lùa bò về chuồng và không may bị vấp té. Đàn bò khoảng 20 con, trong lúc hỗn loạn đã chen lấn, giẫm đạp lên người bé.

Cứu cậu bé bị đàn bò giẫm đạp dập lách, rách phổi ảnh 1

Bệnh nhi đã được các bác sĩ nỗ lực điều trị, hiện sức khỏe đã bình phục tốt

Sau tai nạn, bé H. bị nôn ra máu nên được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Qua siêu âm, bác sĩ ghi nhận, bệnh nhi bị tràn dịch ổ bụng, tụ máu bao lách. Bé tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố với chẩn đoán chấn thương lách, đa chấn thương.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng lừ đừ, da xanh nhợt. Bác sĩ ghi nhận trên cơ thể bé có nhiều vết bầm ở ngực, bụng, tay chân. Các kết quả kiểm tra hình ảnh cho thấy, bệnh nhi đã may mắn không bị chấn thương sọ não. Tuy nhiên, hình ảnh CT vùng ngực bụng phát hiện bé bị dập lách nặng (độ IV) gây xuất huyết.

Bên cạnh đó, bệnh nhi còn bị dập, rách phổi rải rác vùng thùy dưới phổi bên trái gây tràn khí, tràn máu màng phổi. Tình trạng tổn thương đã khiến phế nang vùng lưng phổi bên trái bị đông đặc, có dịch và tràn khí trung thất.

Bệnh nhi đã được các bác sĩ tiến hành cấp cứu, điều trị tích cực bằng hỗ trợ thở oxy, truyền dịch, truyền máu. Sau cuộc hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định điều trị bảo tồn, theo dõi sát tình trạng tổn thương nội tạng trong lồng ngực, bụng và tình trạng xuất huyết. Bên cạnh đó, trẻ được chăm sóc vết thương phần mềm, chích ngừa uốn ván.

Sau 4 ngày được theo dõi liên tục, điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã cải thiện tốt. Kết quả kiểm tra tổn thương trên bệnh nhi, bác sĩ ghi nhận, vị trí tổn thương lách, phổi đã bình phục, không còn xuất huyết. Nỗ lực của các bác sĩ đã giúp cậu bé tránh được cuộc đại phẫu.

MỚI - NÓNG