Cứu cánh các loài nguy cấp

Cứu cánh các loài nguy cấp
Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm đã và đang được quy định ở nhiều văn bản pháp luật nhưng còn nhiều điểm chưa thống nhất, chồng chéo, dẫn tới việc thực thi công tác quản lý các đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Chính vì thế, năm 2018, Bộ TN&MT đã xuất bổ sung 37 loài vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban. Còn về phía Bộ NN&PTNT đang dự thảo Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; gây nuôi động vật rừng thông thường và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Động thái của các Bộ cho thấy, quyết tâm cứu cánh các loài nguy cấp trước nguy cơ tuyệt chủng.

Nhiều loài có nguy cơ biến mất

Theo Sách đỏ Việt Nam, tổng số các loài động vật, thực vật hoang dã đang bị đe dọa của Việt Nam là 882 loài (418 loài động vật và 464 loài thực vật). Trong đó, một số loài coi như đã tuyệt chủng như: Tê giác 2 sừng, tê giác 1 sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chép gốc, cá lợ thân thấp, hươu sao, cá sấu hoa cà, hai loài lan hài.

Giống cây trồng, giống vật nuôi của Việt Nam cũng đang đối mặt vói sự suy giảm cả về số luợng và chất lượng. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi quý có giá trị cao về khoa học, bảo tồn và kinh tế đang bị đe dọa nghiêm trọng. Một số giống vật nuôi bản địa đang bị đe dọa tuyệt chủng cao như: Lợn ỉ gộc, lợn ba xuyên, gà hồ... Trên thực tế, số loài bị đe dọa tuyệt chủng có thể còn lớn hơn do danh sách loài được đánh giá mới chỉ là các loài có đủ nguồn thông tin cung cấp.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên vừa đưa ra cảnh báo, voi và tê giác trên thế giới, trong đó, có Việt Nam đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi cầu thị trường ngà voi làm đồ trang trí, và sừng tê giác làm thuốc y học cổ truyền. Năm 2010, xác cá thể tê giác Java một sừng cuối cùng của Việt Nam đã được tìm thấy với một viên đạn ở chân và sừng bị lấy đi. Cách đây chỉ vài thập kỷ, quần thể voi hoang dã của Việt Nam có hàng ngàn cá thể nhưng con số này giờ chỉ còn trên dưới 100.

Điều chỉnh để quản lý tốt hơn

Nghị định 160 được Chính phủ ban hành thời gian gần đây về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất đối với công tác bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH), đồng thời, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ TN&MT, danh mục này sẽ được điều chỉnh, bổ sung định kỳ 3 năm một lần hoặc khi thấy cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục. Nghị định xác định Danh mục gồm 17 loài thực vật, 83 loài động vật, 15 giống cây trồng, 6 giống vật nuôi.

Năm 2018, Bộ TN&MT đề xuất bổ sung 37 loài vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số160/2013/NĐ-CPngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trong 37 loài được đề xuất bổ sung đợt này là 16 loài thực vật và 21 loài động vật.

Cụ thể, 16 loài thực vật gồm: Bảy lá một hoa; Sâm Lai Châu (Sâm lang bian); Thông đỏ nam (Thông đỏ lá dài, Thanh tùng);  Bách vàng việt (Ché); Hoàng liên gai lá dài; Hoàng liên gai lá mốc (Hoàng liên gai, Hoàng liên ba gai, Tiểu nghiệt bá); Hoàng liên gai lá nhỏ;  Lan Vân Hài (Lan hài chai); Lan Hài Xanh; Lan hài chân tím (Lan hài trần liên);  Lan một lá (Nhóm loài); Lan hài trân châu; Lan hài hằng; Lan hài đỏ (Lan hài hồng); Lan hài tam đảo; Lan hài thăng heng (Lan hài hêlen).

21 loại động vật gồm: Voọc bạc trường sơn; Vượn siki;  Vượn má vàng trung bộ; Voọc bạc đông dương; Voọc bạc (Voọc xám); Cầy giông đốm lớn; Cầy vằn bắc; Cầy gấm; Tắc kè đuôi vàng; Thằn lằn cá sấu; Rùa đầu to;  Rùa hộp trán vàng miền Trung; Rùa hộp trán vàng miền bắc;  Rùa hộp trán vàng miền Nam; Rẽ mỏ thìa; Hồng Hoàng; Già đẫy lớn; Trĩ sao;  Công; Choắt mỏ vàng; Vịt đầu đen.

Bộ NN&PTNT cho biết, ngày 30/3/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2006/NĐ-CPvề quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Nghị định số 32); ngày 10/8/2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (Nghị định số 82).

Qua 12 năm áp dụng trên thực tiễn, các Nghị định trên đã góp phần quan trọng trong quản lý, bảo tồn và thương mại bền vững. Tuy vậy, cùng với quá trình phát triển và hội nhập, các Nghị định đã bộc lộ các lỗ hổng, hạn chế cần thiết phải được sửa đổi như: Một số nội dung quản lý ghi trong 2 Nghị định trên vì nhiều lý do khác nhau chưa đi vào cuộc sống như: Điều 4 Nghị định số 32 quy định về trách nhiệm của UBND tỉnh trong theo dõi diễn biến thực vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định.

Thực tiễn Bộ NN&PTNT chưa phê duyệt bất kỳ dự án khai thác nào do thiếu nghiên cứu khoa học, do quần thể các loài bị suy giảm nghiêm trọng hoặc do không có đánh giá khoa học phù hợp; tại Nghị định số 82, một số quy định cũng chưa từng thực hiện trên thực tiễn do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể như hoạt động cấp phép cho mẫu vật nhập nội từ biển; hoạt động cấp chứng chỉ mẫu vật tiền công ước; việc trả lại mẫu vật cho nước xuất xứ… Bên cạnh đó, Danh mục các loài có tên trong Nghị định số 32 chậm được đổi mới trong khi xu hướng quần thể một số loài thay đổi liên tục, một số loài gần như tuyệt chủng trong tự nhiên (tê giác, cá sấu), một số loài đã bị tuyệt chủng (trâu rừng), một số loài có khả năng trồng cấy, gây nuôi, bảo tồn…

Bộ đề xuất dự thảo Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; gây nuôi động vật rừng thông thường và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Nghị định số 82/2006/NĐ-CP hiện nay.

Theo TN &MT
MỚI - NÓNG