Cựu binh Mỹ đội khăn tang, mắt ngấn lệ viếng mẹ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ted Engelmann - cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam - đã đến viếng bà Doãn Thị Ngọc Trâm là thân mẫu liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Gần 20 năm trước, Ted Engelmann đã đến Hà Nội tìm kiếm, chuyển nội dung cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ Mỹ về với gia đình. 

Bà Doãn Thị Ngọc Trâm - thân mẫu liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - qua đời sáng 16/4, hưởng thọ 100 tuổi.

Lễ tang bà Doãn Ngọc Trâm được tổ chức từ 7h30-9h ngày 20/4 tại Nhà Tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng - người rất thân thiết với gia đình bà Doãn Thị Ngọc Trâm - ghi lại nhiều khoảnh khắc xúc động. Ông chia sẻ có một người Mỹ tóc bạc, gầy và cao, mặc áo tang đen, đội khăn trắng, đứng trong hàng gia đình con cháu. Người đàn ông im lặng, đôi mắt buồn rầu và ngấn lệ trong suốt lễ tang.

Cựu binh Mỹ đội khăn tang, mắt ngấn lệ viếng mẹ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ảnh 1
Lễ tang thân mẫu liệt sĩ Đặng Thùy Trâm diễn ra sáng 20/4.

Đó là Ted Engelmann - một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Gần 20 năm trước, Ted Engelmann đã đến Hà Nội tìm kiếm, chuyển nội dung cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ Mỹ về với gia đình. Ông cũng là nhà sử học, một nhiếp ảnh gia có nhiều duyên nợ và rất yêu mến Việt Nam.

"Nghe tin mẹ Doãn Thị Ngọc Trâm qua đời, Ted đã vội vàng lấy vé máy bay, vượt qua cả vạn cây số, bay từ Mỹ sang Việt Nam. Vừa xuống sân bay Nội Bài đêm qua, sáng nay ông đã kịp tới xin dự đám tang như với bổn phận của một người con trong gia đình", nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ.

Cựu binh Mỹ đội khăn tang, mắt ngấn lệ viếng mẹ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ảnh 2
Cựu binh Ted Englemann đội khăn tang trắng.

Ted Englemann là người nước ngoài duy nhất cùng con cháu bà Doãn Thị Ngọc Trâm lên xe tang, tháp tùng linh cữu đến nơi an nghỉ vĩnh hằng.

Cựu binh người Mỹ lặng lẽ chứng kiến các nghi thức cuối cùng để vĩnh biệt thân mẫu của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. "Ted lặng lẽ đứng bên mộ mẹ Doãn Thị Ngọc Trâm rất lâu. Trên đầu ông vẫn quấn khăn trắng, thắp hương và vái lạy, theo đúng phong tục Việt Nam", nhà văn Đặng Vương Hưng nói.

Bà Doãn Thị Ngọc Trâm sinh ngày 23/12/1925 tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bà nguyên là giảng viên Đại học Dược Hà Nội, vợ của bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê (1916-1999).

Ông bà có 4 người con nhưng các con mỗi người một nghề. Con gái cả - liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm - là người con duy nhất theo nghề của cha mẹ.

Cựu binh Mỹ đội khăn tang, mắt ngấn lệ viếng mẹ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ảnh 3

Hình ảnh trong lễ tang được nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ với Tiền Phong.

Năm 1955, ông Đặng Ngọc Khuê gặp biến cố, bà một nách ba con nhỏ lại thêm bụng mang dạ chửa nhưng vẫn tiếp tục làm việc để nuôi con. Sau này, bà được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường Bổ túc cán bộ y tế.

Những lời trong điếu văn lễ tang bà Doãn Thị Ngọc Trâm khiến nhiều người xúc động: "Bà đã sống 100 năm, qua hai thế kỷ, đã đi qua đủ ngọt bùi cay đắng. Những năm cuối đời, bà thanh thản sống giữa tình yêu thương của các con, các cháu, của thân bằng quyến thuộc, của bạn bè gần xa từ muôn nẻo đất nước".

Người ở lại nhớ mãi "nụ cười hiền hậu và mẫn tiệp luôn thường trực trên môi, bà tiếp nhận sự yêu thương nể trọng cũng như sự quan tâm của bạn bè trong nước cũng như quốc tế một cách giản dị, khiêm nhường. Bà luôn khẳng định mình chỉ là một bà mẹ liệt sĩ như hàng triệu bà mẹ liệt sĩ Việt Nam khác đã hiến dâng đứa con yêu cho đất nước, không hề có gì đặc biệt hơn. Bằng cuộc đời mình, bà đã dạy các con luôn kiên cường, mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh...".

Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 tại Huế, hy sinh ngày 22/6/1970 tại Quảng Ngãi. Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006.

Năm 1966, nữ bác sĩ Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề.

MỚI - NÓNG