Kỷ niệm 76 năm thành lập Quân đội Nhân Dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020)

Cựu binh kể chuyện chiến dịch biên giới Thu-Đông 1950

Đèo Bó Củng - nơi diễn ra các trận đánh Pháp năm xưa. Ảnh: Duy Chiến
Đèo Bó Củng - nơi diễn ra các trận đánh Pháp năm xưa. Ảnh: Duy Chiến
TP - Ký ức về một thời trai trẻ, về “con đường lửa” như những thước phim quay chậm khiến ông Nông Đình Đề xúc động. Sống đã gần thế kỷ nhưng ông vẫn còn khỏe, tinh anh, nhất là khi nhắc đến các trận chiến ngay trên quê hương xứ Lạng.   

Ông Nông Đình Đề (SN 1928), dân tộc Tày, trú tại thôn Khắc Đeng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) chống gậy đến hội trường UBND huyện Tràng Định tham dự lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Tràng Định và 76 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020). Mọi người xúm quanh ông, hỏi han chuyện xưa. Vẫn là bản chất của người lính cụ Hồ, ông Đề luôn mỉm cười, nói chậm rãi: Chiến thắng biên giới Thu - Đông 1950 mà tiêu biểu tại đường số 4, là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và giặc Pháp, như trận Bông Lau, Lũng Phầy, trận Đông Khê 1 và 2.

“Đồng chí Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, đơn vị chủ lực của ba tỉnh: Cao - Bắc - Lạng đã viết những dòng sâu sắc và lý thú: Cũng là những đường xuyên rừng núi hiểm trở, nhưng riêng đường số 4 như thiên nhiên xếp đặt, giăng bẫy sẵn, tạo cửa tử, giúp ta dẫn dụ, mai phục, buộc địch lâm cảnh thất bại”, ông Đề nhớ lại.

Nói đoạn, ông Đề giới thiệu, ngày 1/3/1945, khi đó ông tròn 17 tuổi đã xung phong đi bộ đội. Sau khi được huấn luyện quân sự, ông trở về Trung đoàn 28 (Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng, sau đó đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 174) công tác.

Chuyện đánh giặc Pháp

Ông Đề hào hứng kể: Ngày đó, cấp trên phổ biến kế hoạch mở cuộc tấn công lên căn cứ Việt Bắc từ giữa tháng 10 năm 1947 của thực dân Pháp hòng tiêu diệt, đánh phá Bộ chỉ huy, chính phủ kháng chiến và lực lượng chủ lực của ta. Trung ương Đảng, Bác Hồ ra lệnh chặn đánh địch ở khắp nơi, chia cắt các gọng kìm của chúng.

Cựu binh kể chuyện chiến dịch biên giới Thu-Đông 1950 ảnh 1 Ông Nông Đình Đề kể lại chiến tích xưa. Ảnh: Duy Chiến

Con đường số 4 đoạn qua đèo Bông Lau - Lũng Phầy dài gần chục km thuộc địa phận huyện Tràng Định, giáp tỉnh Cao Bằng, có địa thế hiểm trở, một bên núi dựng, một bên khe sâu. Con đường đèo vắt ngang qua sườn núi được coi là “cửa tử” của mọi thế trận phục kích. Nơi đây đã diễn ra hàng chục trận đánh lớn nhỏ trong suốt 4 năm liền (1947- 1950), gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề.

Theo ông Nông Đình Đề, những ngày sôi động đó, ông là lính trinh sát nên thường đi thực địa kiểm tra thì thấy cây cối um tùm, địa hình mấp mô. Tại đây, các tổ, đội công tác của ta tổ chức đào công sự kéo dài hàng km, đồng thời chuẩn bị các trận địa súng cối, súng bazooka. Khi nghe thấy tiếng ô tô của địch đi trên đường là lập tức triển khai lực lượng vây đánh. Địch cứ thế bị thất bại, tiêu diệt. Trong đó, tiêu biểu là trận đánh ngày 25/3/1949, Trung đoàn 147 phối hợp với Tiểu đoàn C3 thuộc liên khu phục kích một đoàn xe của địch từ Thất Khê lên Đông Khê (Cao Bằng), phá hủy 53 xe, đốt cháy 10 vạn lít xăng, diệt 250 lính Âu- Phi trong đó có 2 sỹ quan. Ngày 3/9/1949, Trung đoàn 174 tiếp tục phối hợp với bộ đội địa phương và quân dân du kích đánh địch suốt đèo Bông Lau - Lũng Phầy dài 6km, tiêu diệt 217 lính Âu - Phi, bắt sống 37 tên địch...

 “Tôi nhớ mãi, trận đánh địch tại Phja Khóa - Đông Khê. Khu vực đồn trú của địch nằm trên đỉnh núi đá Yên Ngựa khá cao. Theo trinh sát nắm được, quân số của địch trong đồn gồm một trung đội, phần lớn là lính địa phương do một tên Pháp chỉ huy với trang bị súng cối 60 ly cùng súng máy, đại liên. Trong khi đường lên xuống cổng đồn chỉ có lối duy nhất ở hướng tây. Kế hoạch đánh đồn bí mật, bất ngờ được vạch ra, đó là phải tìm cách leo lên dốc dựng đứng, che khuất thì địch không phát hiện ra. Người liên lạc của đơn vị khi đó là đồng chí Hoàng Văn Mỏng, tuổi tròn 17, người địa phương tình nguyện dẫn đường, tiên phong và đồng chí Bế Chu Lang (người Lạng Sơn, sau này là đại tá, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Cao Lạng) trực tiếp chỉ huy.

Quân ta đã dùng 5 chiếc thang dây nhỏ, mỗi người một thang, mỗi thang cao khoảng 2 m. Còn người thì vận đồ gọn nhẹ, mang theo 1 khẩu súng tiểu liên cùng 2, 3 thủ pháo và 2 miếng bộc phá. Tờ mờ sáng, bộ đội triển khai trận đánh. Khi tới đỉnh, quân giặc còn đang ngáp ngủ, ta dùng súng và đồng loạt ném thủ pháo làm địch bất ngờ, hoảng loạn chạy. Trận này ta tiêu diệt gần hết địch, bắt sống vài tên việt gian và chiếm được đồn. Sau trận đánh, đồng chí Hoàng Văn Mỏng và Bế Chu Lang được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất”, ông Đề kể.

Sức mạnh tổng hợp

Dẫn chúng tôi đến khu di tích chiến thắng Lũng Phầy, nằm trên đỉnh con đường số 4, thuộc xã Chí Minh, huyện Tràng Định, cựu chiến binh Nông Đình Đề rưng rưng nhớ lại ký ức oai hùng. Ông quan sát từ mỏm núi, vạt rừng rồi nói: “Ngày ấy, có một câu tâm niệm của anh em chiến sỹ trong đơn vị là “Hẩu tả pha xòng xéng”, (tiếng Tày, Nùng nghĩa là “đánh giỏi vẫn sợ phục sẵn” “có mạnh vẫn sẽ bị bất ngờ”). Đây là bài học, kinh nghiệm quý mà chúng tôi vẫn áp dụng có hiệu quả sau này”.

Bà Đặng Thị Kiều Vân, Bí thư Huyện ủy Tràng Định cho biết thêm, trong chiến thắng biên giới Thu - Đông, ngoài việc huy động lực lượng tham gia chiến đấu, địa phương còn phát động quyên góp ủng hộ “hũ gạo kháng chiến”, huy động dân công từ 16 đến 55 tuổi tham gia vận chuyển lương thực, tải đạn, cứu thương, xay giã gạo, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đến tối 10/10/1950, huyện Tràng Định hoàn toàn giải phóng. Trên đường chỉ huy chiến dịch, tối cùng ngày, Bác Hồ đã gặp mặt cán bộ, chiến sỹ đại đoàn 308 và nhân dân xã Chi Lăng, huyện Tràng Định.

“Chiến thắng biên giới Thu - Đông 1950 có ý nghĩa rất quan trọng và làm phá sản kế hoạch quân sự, chính trị của thực dân Pháp. Nhờ chiến thắng này, chúng ta đã khai thông 750 km đường biên giới Việt - Trung với 35 vạn dân, phá thế kìm kẹp của thực dân Pháp đối với căn cứ địa Việt Bắc. Người dân hân hoan đón mừng chiến thắng và Tràng Định trở thành một phần trong căn cứ địa của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp. Ngày 11/6/1999, đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện nhà được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 6 xã được công nhận là An toàn khu”, bà Vân cho biết.

Cựu chiến binh Nông Đình Đề, 65 tuổi đảng, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông đã tham gia nhiều trận đánh trên đường số 4. Sau khi rời quân ngũ, ông từng đảm trách các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Lạng Sơn. Ông được thưởng nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng, Nhà nước.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.