Hà Nội:

Cưỡng chế 'cắt ngọn' nhà sai phép bên Hồ Tây

Cưỡng chế 'cắt ngọn' nhà sai phép bên Hồ Tây
TP - Hôm qua (10/5), ông Trần Trọng Quý-Chánh văn phòng UBND quận Tây Hồ đã ký văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của UBND quận về việc xử lý công trình sai phép 15 tầng bên Hồ Tây. Việc cưỡng chế phải  được thực hiện trước ngày 25/5/2007.

Theo đó, UBND quận yêu cầu Công an quận Tây Hồ và phường Bưởi có biện pháp kiên quyết đình chỉ tuyệt đối công trình sai phép 15 tầng (16 tổ 6-cụm 2, phường Bưởi), (công trình vẫn thi công mặc dù đã bị đình chỉ từ 22/3), trước khi tiến hành cưỡng chế.

Về việc xử lý công trình, UBND quận Tây Hồ và các cơ quan chức năng đang rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định của pháp luật để tiến hành cưỡng chế, phá dỡ phần xây dựng sai phép.

Ngày 12/5, UBND phường Bưởi sẽ tống đạt quyết định xử lý cưỡng chế đến chủ đầu tư theo quy định; Thanh tra xây dựng quận, UBND phường Bưởi lựa chọn, ký hợp đồng với đơn vị có tư cách pháp nhân lập phương án, nhà thầu để tiến hành phá dỡ chiều cao phần công trình vượt phép.

* Trước đó, Chánh văn phòng UBND quận Tây Hồ cũng đã có văn bản yêu cầu UBND phường Quảng An và các cơ quan chức năng lập phương án và tiến hành cưỡng chế phá dỡ phần vượt phép công trình tại tổ 31, cụm 2 phường Quảng An trước ngày 5/6/2007.

Như Tiền phong đã thông tin, công trình số 16 tổ 6-cụm 2 phường Bưởi vượt phép 4 tầng, vượt độ cao 17m (giấy phép: 10 tầng+hầm, cao 28m); công trình tại tổ 31 vượt phép 5,5 tầng (giấy phép: 3,5 tầng, cao 12,5m). Ngoài ra các công trình này còn có nhiều phần xây dựng không đúng giấy phép đã được cấp.

Cắt ngọn công trình sai phạm, Sở Xây dựng yêu cầu: Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về mọi mặt

Hôm qua (10/5), Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân quận hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị được giao tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình khẩn trương thực hiện tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng, theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thành phố.

Theo đó, Sở xây dựng yêu cầu việc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng phải đảm bảo an toàn cho người, công trình lân cận, liền kề, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn trật tự xã hội.

Chủ đầu tư, đơn vị được giao tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ phải tuân thủ các quy định tại Luật Xây dựng, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn xây dựng.

Trước khi phá dỡ, các đơn vị này phải lập, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tháo dỡ, bao gồm:

Mặt bằng thi công, quy trình, trình tự tháo dỡ; công nghệ-thiết tháo dỡ; biện pháp vận chuyển vật liệu phế thải; các giải pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; an toàn cho người, tài sản,công trình lân cận, liền kề và công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh; đảm bảo độ ổn định của hệ kết cấu dàn giáo, sàn thao tác, kết cấu chống đỡ, gia cố các phần công trình chưa tháo dỡ.

Đặc biệt, trong quá trình tháo dỡ, chủ đầu tư, đơn vị được giao tổ chức thực hiện tháo dỡ phải trao đổi, thống nhất giải pháp thi công tháo dỡ với các chủ hộ liền kề mà việc tháo dỡ có thể ảnh hưởng đến, cam kết đền bù thiệt hại nếu có.

Việc tháo dỡ phải thực hiện theo nguyên tắc: tháo dỡ từ trên xuống dưới theo trình tự ngược với trình tự xây mới, những bộ phận làm sau tháo dỡ trước, bộ phận làm trước tháo dỡ sau; khi tháo dỡ  phải có biện pháp đề phòng các bộ phận công trình có nguy cơ sập đổ bất ngờ; các phế thải tháo dỡ phải chuyển ngay xuống dưới, không được để tập trung trên sàn, không được đổ rơi tự do từ trên cao xuống, phế thải tháo dỡ phải vận chuyển đi đổ đúng nơi quy định.

Sau khi tháo dỡ, chủ đầu tư, đơn vị được giao tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ  có trách nhiệm thu dọn hiện trường, hoàn trả mặt bằng khu vực tháo dỡ theo quy định.

Phương án tháo dỡ được trình Ủy ban nhân dân quận trước khi tổ chức thực hiện. Trường hợp cần thiết phải có ý kiến của Sở xây dựng.

MỚI - NÓNG