Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Nguồn: SCMP.
Trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Nguồn: SCMP.
TPO - Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande, tập đoàn bất động sản “chúa Chổm” nhất thế giới (tổng nợ khoảng 300 tỷ USD) ​sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, và sẽ bị giải thể thành 4 nhóm, Li Daokui, cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương), nhận định.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng sẽ có tác động dây chuyền không đáng kể lên hệ thống tài chính vì không có công cụ phái sinh nào được xây dựng dựa trên nợ của Evergrande, CNBC ngày 22/9 dẫn lời ông Li, hiện là giáo sư tại Trường Kinh tế & Quản lý của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).

Ông Li dự đoán, trong trung và dài hạn, Evergrande sẽ bị “giải thể” thành 4 nhóm chính.

Evergrande cảnh báo các nhà đầu tư rằng, tập đoàn có thể vỡ nợ. Evergrande sẽ phải trả một khoản nợ rất lớn đến hạn trong tuần này. Theo tạp chí Times, khoảng 1,5 triệu khách hàng của Evergrande có thể mất tiền mà họ đặt cọc cho các căn hộ mà tập đoàn này chưa xây dựng.

“Tác động có thể xảy đến với nền kinh tế thực vì vụ vỡ nợ của Evergrande sẽ làm chậm quá trình phát triển của nhiều dự án. Thị trường bất động sản sẽ có tác động đến tốc độ tăng trưởng GDP trong năm tới vì tốc độ rót tiền cho toàn ngành diễn ra chậm hơn”, ông nhận định.

Ông Li cho rằng ,việc Evergrande vỡ nợ sẽ có ảnh hưởng tối thiểu đến hệ thống tài chính Trung Quốc vì không có công cụ phái sinh nào được xây dựng dựa trên nợ của hãng này.

Công cụ phái sinh là công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào một tài sản cơ sở đã được phát hành trước đó. Thông thường, công cụ phái sinh là một hợp đồng giữa hai bên nhằm trao đổi một số lượng chuẩn tài sản thực hay tài sản tài chính theo giá xác định trước vào một ngày ấn định trước trong tương lai. Tài sản cơ sở có thể là hàng hoá, ngoại tệ, chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán. Nếu giá trị của tài sản cơ sở trong hợp đồng thay đổi thì giá trị của công cụ phái sinh cũng thay đổi.

“Tôi nghĩ còn hơi sớm để dự đoán tác động thực của cuộc khủng hoảng. Theo tính toán sơ bộ của tôi, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm 1 điểm cơ bản, nếu mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát từ bây giờ”, ông Li nói.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 22/9 nói rằng, họ vẫn giữ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 8,1% cho năm 2021 và 5,5% cho năm 2022. Đó sẽ là mức tăng trưởng đáng kể so với mức tăng trưởng 2,3% vào năm ngoái, khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong khi hầu hết các nền kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Evergrande sẽ phải trả lãi cho một khoản trái phiếu trị giá 83 triệu USD vào ngày 23/9. Đây sẽ là “bài kiểm tra” đầu tiên về cuộc khủng hoảng nợ của hãng. Nhiều nhà phân tích và theo dõi thị trường cho rằng, Evergrande sẽ không thể thanh toán khoản tiền này.

Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc? ảnh 1

Trung tâm Evergrande ở Quảng Châu, Trung Quốc. Nguồn: Wikipedia.

Evergrande sẽ bị giải thể thành 4 nhóm?

Các vụ vỡ nợ của Evergrande có thể sẽ làm chậm tiến độ của các dự án phát triển bất động sản, hạ tầng khắp Trung Quốc, ảnh hưởng các nền kinh tế địa phương ở đại lục, ông Li dự đoán. Vì thế, chính quyền nhiều thành phố, tỉnh có thể sẽ rót tiền từ ngân sách địa phương để các dự án đó tiếp tục được thực hiện.

Ông Li bày tỏ hy vọng ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ bổ sung thanh khoản trong các lĩnh vực mục tiêu để đảm bảo tác động dây chuyền từ vụ vỡ nợ của Evergrande “sẽ không đi quá xa và quá nhanh”.

Chuyên gia kinh tế Li dự đoán, trong trung và dài hạn, Evergrande có thể sẽ bị “giải thể” thành 4 nhóm chính: phát triển bất động sản, tài chính, xe điện và các dự án thương mại khác.

“Mỗi phần trong số bốn phần phụ này của Evergrande sẽ được bán cho các công ty riêng lẻ hoặc thậm chí cho một số chính quyền địa phương. Evergrande như chúng ta đã biết có thể sẽ không tồn tại”, ông Li nói.

Kinh doanh đa ngành

Evergrande là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc (tính theo doanh số), có các dự án ở hơn 170 thành phố và đứng thứ 122 trong danh sách Fortune Global 500 (500 công ty lớn nhất thế giới tính theo doanh số).

Evergrande được tỷ phú Hứa Gia Ấn thành lập năm 1996, chủ yếu bán căn hộ cho người có thu nhập trung bình và cao. Năm 2018, Evergrande trở thành công ty bất động sản giá trị nhất thế giới, theo Xinhua.

Evergrande và Tập đoàn Alibaba mỗi bên sở hữu 50% CLB Bóng đá Quảng Châu của Trung Quốc. Evergrande có thương hiệu nước khoáng nổi tiếng Evergrande Spring.

Trường Bóng đá Evergrande là trường đào tạo bóng đá lớn nhất thế giới. Evergrande cũng đầu tư trong các lĩnh vực khác như tấm năng lượng mặt trời, chăn nuôi lợn, sữa bột dành cho trẻ em, kinh doanh nông nghiệp, theo Time. Hãng cũng sở hữu nhiều khu nghỉ dưỡng và công viên giải trí.

MỚI - NÓNG