Cuộc hội ngộ xúc động và tự hào
> 'Tài sản quý' của lực lượng Hải quân
> Sinh viên tìm hiểu về biển đảo
Chiều 21-7, ban tổ chức học bổng “Sức sống biển đảo” đã đưa các em học sinh nhận học bổng đến dâng hương các liệt sĩ tại di tích lịch sử quốc gia bến Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).
Các học sinh nhận học bổng “Sức sống biển đảo” thắp hương và thả vòng hoa tưởng niệm tại bia di tích tàu không số ở Vũng Rô, Phú Yên. Ảnh: T.T.D. |
Đây là nơi tiếp nhận những chuyến tàu không số huyền thoại chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển.
Dù trời nắng gay gắt nhưng sự hăm hở vẫn hiển hiện trên từng khuôn mặt của các bạn trẻ. Bạn Trần Thị Sa (học sinh lớp 7 Trường THCS Phước Thể, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) thắp nén hương lên vòng hoa để trao cho đại tá Hồ Đắc Thạnh - nguyên thuyền trưởng tàu không số 41 - từng ba lần chở vũ khí vào bến Vũng Rô thành công thả xuống biển, nơi còn xác chiếc tàu không số 143 mà quân ta đánh chìm khi bị địch phát hiện vào ngày 25-2-1965.
Sa lắng nghe như nuốt từng lời của đại tá Hồ Đắc Thạnh kể về những ngày oanh liệt và hào hùng của thế hệ cha ông trên những chiếc tàu không số huyền thoại năm xưa. Sa nói: “Em nhớ nhất lời của bác Thạnh, rằng thế hệ trẻ của các cháu phải hiểu rõ truyền thống anh hùng, bất khuất của cha ông để giữ đất, giữ biển, cương quyết không để ai giành lấy một ngọn sóng, một tấc đất của quê hương”.
Bạn Nguyễn Thái Ân (học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Thành Phương, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) xúc động: “Dù ở Phú Yên, nghe nhiều, học nhiều về Vũng Rô nhưng đây là lần đầu tiên em đến nơi này. Được nghe kể chuyện về những chuyến tàu không số, sự quả cảm của các bác chiến sĩ năm xưa em rất tự hào và tự hứa với chính mình phải có trách nhiệm góp phần giữ gìn biển đảo của quê hương”.
Ngay sau phần dâng hương, cũng tại di tích huyền thoại bến Vũng Rô, Tỉnh đoàn Phú Yên đã tổ chức phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đến đoàn viên thanh niên và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là tỉnh đoàn đầu tiên ở miền Trung phát động hưởng ứng chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.
Tại buổi lễ, anh Hồ Hồng Nam - phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Phú Yên - nói: “Mỗi viên đá, viên gạch của mỗi người dân chúng ta gửi đến Trường Sa chính là sức mạnh của sự đoàn kết, thể hiện một ý chí kiên cường và khẳng định quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi viên đá, viên gạch của mỗi người dân chúng ta sẽ góp sức xây dựng Trường Sa nhanh chóng trở thành huyện đảo giàu đẹp, là niềm tự hào của nhân dân cả nước. Chính vì mục đích, ý nghĩa sâu sắc đó, Ban thường vụ Tỉnh đoàn Phú Yên tin tưởng rằng chương trình sẽ tiếp tục đón nhận không chỉ bằng số tiền mà còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm cùng tham gia xây dựng huyện đảo Trường Sa trong mỗi trái tim người dân đất Việt”.
Ông Huỳnh Tấn Việt - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên - khẳng định: “Chương trình Góp đá xây Trường Sa góp phần khơi dậy và vun đắp lòng yêu nước, yêu biển đảo trong mỗi người dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ và góp phần hỗ trợ thiết thực cho việc gìn giữ, bảo vệ Trường Sa cũng như chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở biển Đông... Cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, thử thách, thiếu thốn của nhân dân và chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo nói chung, ở Trường Sa nói riêng là hành động thiết thực thể hiện tinh thần yêu nước và trách nhiệm đối với đất nước. Mọi sự ủng hộ, quyên góp đều rất trân trọng và đáng quý”.
Tại lễ phát động đã có 17 cá nhân, đơn vị ở Phú Yên góp đá xây Trường Sa với số tiền 31.058.000 đồng. Riêng ông Đào Tấn Lộc - bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - đóng góp 2 triệu đồng.
Khơi gợi tình yêu biển đảo trong thế hệ trẻ Tối 21-7, tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Phú Yên, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức trao học bổng “Sức sống biển đảo” cho 176 học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn đến từ bốn tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Học bổng do Công ty cổ phần Đức Khải tài trợ với tổng trị giá 365 triệu đồng.
Đó là một cuộc gặp gỡ của những bạn trẻ vùng biển duyên hải Nam Trung bộ, đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống để vươn lên. Đỗ Thị Lại (học sinh lớp 9 Trường THCS Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) - con gái của một gia đình ngư dân cực nghèo - nói: “Học bổng trị giá 2,7 triệu đồng là số tiền quá lớn. Em sẽ gửi phần lớn cho dì - người nuôi em hơn chục năm nay - để cuộc sống đỡ ngặt nghèo. Phần nhỏ còn lại em để dành mua sách vở vào năm học mới”. Còn Phạm Văn Đồng (lớp 10 Trường THPT Phan Đình Phùng, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) thổ lộ: “Em không còn mẹ, gia đình gặp nhiều khó khăn, hay tin được nhận học bổng Sức sống biển đảo, cả nhà mừng lắm. Vào Tuy Hòa, được ở chung và tâm sự với các anh chị, các bạn cùng hoàn cảnh, em có thêm nghị lực để tiếp tục học tập tốt”. Nói về học bổng này, chị Nguyễn Thị Minh Hải - cán bộ Tỉnh đoàn Khánh Hòa - nhận xét Tuổi Trẻ chọn tên gọi học bổng là “Sức sống biển đảo” và cho các em học sinh nghèo khó khăn từ các vùng biển bốn tỉnh duyên hải hội ngộ tại Phú Yên, được đi thăm di tích lịch sử Vũng Rô đã giúp các em nhân lên tình yêu biển đảo quê hương, từ đó có ý thức hơn trong việc gìn giữ biển đảo quê hương. Phát biểu tại lễ trao học bổng “Sức sống biển đảo”, ông Tăng Hữu Phong - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nói: “...Học bổng Sức sống biển đảo góp phần giúp những học sinh nghèo, bất hạnh ở vùng biển có thêm điều kiện vượt qua khó khăn để bám lớp bám trường; giúp gia đình các em tiếp tục bám biển, góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.Đồng thời khơi gợi cho các em lòng yêu biển đảo, từ đó nỗ lực trau dồi tri thức để gìn giữ, đánh thức, làm bật dậy sức sống mãnh liệt của biển đảo”. |
Theo Duy Thanh
Tuổi Trẻ