Cuộc đời li kỳ của người lính bị báo tử

Cuộc đời li kỳ của người lính bị báo tử
TP - 5 năm sau ngày báo tử, bất ngờ người lính ấy trở về với một thân hình bầm dập, chắp vá và một tinh thần điên loạn nhưng vẫn có một người phụ nữ hy sinh cả cuộc đời mình để sống với ông.

> Liệt sĩ trở về sau 40 năm

Tưởng ông đã chết, cách xa hàng nghìn km, vẫn có một người bạn chiến đấu đều đặn thắp hương cho ông. Cuộc đời ông như một câu chuyện xúc động thời hậu chiến…

Số phận kỳ lạ

Không ai biết được hết những nỗi đau mà người thương binh Nguyễn Ngọc Khoát đã phải chịu đựng. Người duy nhất biết rõ là chính ông, nhưng cho đến nay vẫn chưa nói một lời nào. Chúng tôi cảm nhận thấy dường như ông vẫn biết được cái gì là sự thật mỗi khi người khác nhắc tới. Điều đấy được thể hiện bằng một động tác cười rất tươi và cái gật gật đầu.

Theo những câu chuyện chắp nối của bà Thu và những người bà con, họ hàng, anh em ruột của ông Khoát cùng những giấy tờ còn sót lại, thì trước khi nhập ngũ Khoát là một thanh niên khỏe mạnh, vạm vỡ. Ông tình nguyện tòng quân khi mới 17 tuổi và được biên chế vào đơn vị đặc công C2.D1.E95, chiến đấu tại chiến trường Gia Lai những năm 1968.

Vào đúng ngày 24/3/1968, đơn vị của ông đụng độ với địch. Gia đình ông đã nhận được giấy báo tử báo tin ông hi sinh ngày 24/3/1968 và vẫn hương khói đều đặn cho liệt sĩ Khoát.

Cho đến một ngày cuối năm 1974, gia đình thấy 2 thương binh bước vào nhà mình. Một người bị mù cả hai mắt, còn người kia bị câm. Người thương binh mù tự giới thiệu mình tên là Vui ở xã bên, còn người bị câm chính là anh Khoát của gia đình.

Theo những câu chuyện kể của ông Vui mà bây giờ mọi người còn nhớ: Hai người cùng bị bắt sang Mỹ và sau đó được trao trả về theo diện tù binh chiến tranh vào năm 1974. Ông Vui nhận ra ông Khoát là người cùng quê và hai ông tự tìm cách về nhà. Một người câm và một người mù đã dắt nhau đi hàng trăm cây số và trở về được đúng nơi chôn rau cắt rốn. Ông Khoát bị thương ở đầu, hở não và được các bác sĩ Mỹ phẫu thuật lấy một phần da ở mông sau đó nuôi và cấy ghép lên phần da đầu đã mất…

Nghe đến đấy, ông Khoát lập tức đứng dậy, kéo áo chỉ cho chúng tôi xem một vết cắt hình vuông trên mông và cúi đầu kéo đám tóc lòa xòa lộ ra mảng đầu không có xương sọ, bùng nhùng một lớp da trắng hếu. Đôi mắt ông hấp háy, đầu gật gật, từ trong miệng phát ra những tiếng “ồ, ồ” như thể khẳng định điều đó. Ông cũng cho chúng tôi xem hàng loạt vết thương trên người bây giờ đều đã thành sẹo.

Rất tiếc, khi chúng tôi hỏi về người đàn ông tên Vui thì gia đình ông Khoát khẳng định ông Vui đã mất cách đây vài năm. Do gia đình hai bên đều khó khăn nên sau đó họ cũng không gặp nhau lần nào nữa. Cũng sau đó, ông Khoát được đưa vào Trung tâm điều dưỡng thương binh Bắc Ninh và sơ tán về xã Kiên Thành. Hiện ông Khoát đang được hưởng chế độ thương binh hạng 1/4.

Người chiến hữu 45 năm hương khói cho liệt sĩ Khoát

Kho
Kho "vũ khí" của ông Khoát.
 

Trong những câu chuyện như hư như thực về ông Khoát, bất ngờ bà Thu đưa cho chúng tôi xem một bức thư mà gia đình bà mới nhận được cách đây hơn một năm. Trên đó, có những nét chữ rắn rỏi.

Thư viết: “Kính gửi thân nhân của liệt sĩ, Tôi, Đỗ Xuân Giác – SN 1948, Trú quán: Tổ dân phố 2, thị trấn Đắc Hà, Kon Tum. Tôi với anh Khoát cùng tiểu đoàn đặc công. Anh Khoát SN 1949, hy sinh ngày 24/3/68. Hiện nằm tại ngôi mộ chung trong đó thờ các liệt sĩ tại phường Hội Phú, Plâycu - Gia Lai”.

Trong câu chuyện với chúng tôi qua điện thoại, ông Giác rất bất ngờ khi biết người bạn cùng chiến đấu với mình vẫn còn sống. Trong tâm trí của ông, Nguyễn Ngọc Khoát là một chiến sĩ dũng cảm, kiên cường và gan dạ. Đêm 24/6/1968, tiểu đội đặc công của ông đánh chiếm một cứ điểm của Mỹ.

Sau khi kết thúc, quân ta cũng bị thiệt hại khá nặng nề, chiến sĩ Khoát không có mặt trong số những người còn sống sót. Những người chết đều được quân đội Mỹ chôn chung tại một ngôi mộ tập thể. Đến bây giờ đã 45 năm, năm nào ông Giác cũng trở lại thắp hương cho những người đồng đội của mình hy sinh trong ngày định mệnh ấy, và ông vẫn tin tưởng Khoát là một người đã nằm lại trong đó.

Ông Giác bảo rất muốn một ngày gần nhất sẽ ra thăm gia đình ông Khoát. Chắc hẳn, lúc họ gặp nhau sẽ còn rất nhiều điều để nói. Nhất là bây giờ liệt sĩ Khoát năm nào vẫn sống hạnh phúc bên người vợ tần tảo, 3 người con và 6 đứa cháu nội, ngoại. Chỉ có điều, ông Khoát sẽ chỉ cười, chỉ gật đầu và hút điếu thuốc lào to tướng.

Người đàn bà gan dạ

Vợ chồng ông Khoát, bà Thu và các cháu. Ảnh: nguyễn trường
Vợ chồng ông Khoát, bà Thu và các cháu. Ảnh: nguyễn trường .
 

Bà Vũ Thị Thu (thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, Lục Ngạn, Bắc Giang) năm nay 63 tuổi có khuôn mặt phúc hậu, và nhiều người vẫn còn nhận ra những nét xinh xắn của một thiếu nữ vùng sơn cước thuở nào. Đó là lúc cô gái Thu đang ở tuổi đôi mươi, đi phục vụ cho một đoàn thương binh về sơ tán ở địa phương mình, xã Kiên Thành, Lục Ngạn.

Lúc ấy, cô chỉ biết có một thương binh bị thương rất nặng ở đầu, nửa người bị liệt, tay chân khùng khoèo và miệng ú ớ mỗi khi người khác hỏi. Anh không tự ăn được, không nói được, không tự vệ sinh được và đôi mắt thất thần. Nhưng đôi mắt ấy luôn nhìn cô đầy thiện cảm. Cái ánh mắt cứ ám ảnh cô mỗi lần cô đến thăm và làm cho cô bồi hồi mỗi khi bước ra khỏi trại điều dưỡng ấy.

Rồi có lần, cô giật mình khi trên đường về thấy anh bước theo mình với nụ cười mê dại. Vài lần sau, vẫn thấy anh bước theo mình, cô bắt đầu ngờ ngợ một cảm giác khó tả. Cô quan tâm đến anh nhiều hơn mới biết anh là một người con của xã Nam Dương, cách đó không xa.

Tình yêu đến lúc nào không hay, cô quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với anh. “Lúc đó gia đình tôi cũng động viên rất nhiều, rằng anh ấy đã hy sinh cho đất nước thì mình hy sinh vì anh ấy cũng là điều nên làm. Hơn nữa, cả gia đình tôi có 5 anh em, chỉ có 1 người con trai nên không có người đi bộ đội. Lấy ông Khoát cũng là cách để cống hiến cho đất nước. Lời bố răn dạy đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in” - bà Thu kể.

Đám cưới giữa cô dâu xinh xắn Vũ Thị Thu và một thương binh không biết cái chi chi như Nguyễn Ngọc Khoát là cả một đề tài bàn tán xôn xao của người dân 2 xã hồi đó. Đi đâu Thu cũng gặp ánh nhìn soi mói. Bà quyết định mua đất ra ở riêng ở một khu đất hẻo lánh và bắt đầu cuộc sống vợ chồng đầy khó khăn.

Bình thường, ông Khoát khá hiền lành. Ông có thói quen rất kỳ lạ từ hàng chục năm nay là hút thuốc lào bằng một ống tre dài đến gần nửa mét do ông tự chế. Công việc yêu thích của ông hàng ngày là đi nhặt những cành củi khô, dây rợ quanh nhà về đẽo súng, làm gươm, dao nhọn, dựng hàng rào thép gai… Do đó, trong nhà ông lúc nào cũng đầy ắp vũ khí do ông tự chế từ những vật dụng bỏ đi của mọi người.

Có tháng, bà Thu đem bán hết đồ của ông cho người mua sắt vụn cũng được đến hàng trăm nghìn đồng. Nhưng hôm sau lại thấy nhà đầy lên những vũ khí mới. Cũng có lúc, ông đi kiếm cả những vỏ lọ thuốc trừ sâu bằng thủy tinh người ta vứt ngoài ruộng về chế lựu đạn. Lựu đạn vỡ đâm tay ông tóe máu, bị nhiễm trùng phải đi viện cả tháng trời. Thế nhưng, bà Thu không sợ chăm sóc ông bằng mỗi lúc trái gió trở trời.

Nhẹ thì ông rên rỉ, kêu la vì vết thương tái phát, hoặc nửa đêm ông bật dậy hô “Xung phong”, rồi chạy tít lên đồi, luồn lách giữa những đám cây rợ chằng chịt. Người nhà tìm được thì cả người ông đã xây xát, máu chảy ròng ròng. Có buổi ông bắt xe Nam tiến, nhưng đi được khoảng chục km thì không có tiền bị đuổi xuống, ông lang thang khắp nơi, gặp gì ăn nấy. May có người cùng quê nhận ra nên đưa ông về. Nhìn ông, bà vừa giận lại vừa thương.

Nhưng đỉnh điểm là khoảng năm 2000, giữa lúc giá vải thiều lên cao thì ông mượn cuốc chim về bật hết cả vườn vải thiều hàng chục gốc đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Chiều về, ruột bà như thắt lại khi nhìn cả vườn vải thiều ngổn ngang, ngọn bám đất, rễ chổng lên trời. Chưa hết, ông bất ngờ thay tính, đổi nết, nhìn thấy bà tự nhiên lao vào cắn như một mãnh thú khát mồi luôn miệng đòi giết, giết...

Cánh tay bà ngập trong hàm răng rắn chắc của ông khiến bà ngất xỉu. Người nhà phải đưa bà vào bệnh viện. Bà cay đắng và tưởng như cả bầu trời sập ngay trước mắt. Đã có ba mặt con nhưng sau đận ấy, bà định dứt áo ra đi.

“Đến lúc ấy bỗng người con trai cả bật khóc. Nó bảo, mẹ bỏ bố nhưng chúng con dứt khoát không bỏ vì nếu mẹ bỏ đi rồi thì ai sẽ chăm sóc bố. Bố mẹ vẫn luôn là bố mẹ của con. Nghe thế, tôi lạnh cả người, nước mắt cứ thế tuôn ra không kìm được. Và tôi quyết định ở lại” - bà Thu nhớ lại.

Ông có thói quen rất kỳ lạ từ hàng chục năm nay là hút thuốc lào bằng một ống tre dài đến gần nửa mét do ông tự chế. Công việc yêu thích của ông hàng ngày là đi nhặt những cành củi khô, dây rợ quanh nhà về đẽo súng, làm gươm, dao nhọn, dựng hàng rào thép gai…
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.